Tối qua (28/8), một lần nữa “Ngọc nữ làng múa” cùng dàn diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã mang đến các tiết mục biểu diễn đặc sắc, tạo nên những cảm xúc thăng hoa cho khán giả tại chương trình nghệ thuật “Sắc Sen”.
“Sắc Sen” được chia làm hai phần, phần một: “Ươm mầm và trở về” qua những trích đoạn tiêu biểu của mười diễn viên trẻ, vừa tốt nghiệp sau sáu năm học tại học viện Quảng Tây – Trung Quốc.
Từ những miệt mài khổ luyện qua những năm tháng học tập nơi đất khách, các em không chỉ mang đến cho chương trình không gian múa đa dạng về nội dung, bài bản về kỹ thuật mà đặc biệt đã chạm đến cảm xúc của người xem với các tiết mục trình diễn tinh túy nhất như: Múa Tây Tạng, múa Thái, múa Mông Cổ,… hay ghi đậm hình ảnh linh hoạt như những thước phim ngắn tả thực về đời sống nội tâm bằng các tiết mục: Tần Vương, Vươn Lên, Trăng Thu Hán Cung, Cây Đàn Của Tôi, Đi Giữa Nước Non…Mỗi tiết mục là một sự biến hóa đầy ảo dịu không chỉ làm choáng ngợp thị giác mà còn lấp đầy tâm trạng khán giả thưởng thức.
Các tiết mục biểu diễn đặc sắc mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả
Qua đó, người xem mới thấy hết được những “nhọc nhằn” mà các diễn viên phải dày công học tập từ bé, những trở trăn về loại hình nghệ thuật múa mà bản thân họ, những người trẻ đã và đang phát huy hết sức có thể để bảo vệ, giữ gìn và trường tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiết mục gây xúc động nhất và cũng giản dị nhất đó là màn chào kết của mười em diễn viên khi xuất hiện dòng chữ: “Mẹ ơi! Con về rồi…” cùng hình ảnh của mười người mẹ dang rộng vòng tay ôm lấy các con trên sân khấu, như thể chỉ kịp vỡ òa vì nghẹn ngào và rơi nước mắt khi gặp lại những đứa con yêu dấu sau sáu năm xa cách. Đó không bao hàm tình cảm của gia đình, huyết thống mà lớn hơn là sự hy sinh to lớn của những bậc làm cha, làm mẹ để môn nghệ thuật múa nói riêng và người Việt nói chung còn có những tài năng được ươm mầm và phát triển.
Màn kết của 10 diễn viên trẻ cùng dòng chữ "Mẹ ơi! Con về rồi..." gây ấn tượng mạnh mẽ
Sau phần trình diễn ấn tượng ở phần một, thì sự mong chờ của người xem tiếp theo không ai khác là dành cho diễn viên múa Linh Nga trong phần hai "Sắc Sen" của chương trình. Không hổ danh là “Chim Công” làng múa, Linh Nga đã chuyển tải trọn vẹn tâm hồn và hình thể của mình trên sân khấu qua loạt tiết mục: Sen, Khát Vọng, Dâng Sen. Cô không chỉ thể hiện vai trò của một diễn viên múa mà còn làm biên đạo cho những tiết mục của mình.
Linh Nga đẹp duyên dáng và bay bổng trên sân khấu
"Ngọc nữ" chuyển mình thăng hoa tôn vinh "Sắc Sen"
Hình ảnh Quốc hoa một lần nữa được tôn vinh bằng chính tài năng, thái độ làm việc nghiêm túc cũng như thấy được sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp. Sau hơn mười năm học tập và lao động, Linh Nga ngày càng minh chứng sự tâm huyết của mình dành cho múa, cũng như giúp đỡ các thế hệ đàn em để những đóa sen có dịp được chăm sóc, “mài dũa” và tỏa sắc hương.
Linh Nga biểu diễn bằng tất cả niềm say mê
Và thể hiện tâm huyết của người diễn viên với nghệ thuật múa
Bên cạnh những phần trình diễn múa đặc sắc là lời khen tặng dành cho những tiết mục tuyệt vời đến từ các em trong dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Bông Sen. Song song đó, chương trình còn là đêm đón nhận kỷ lục Guinness về đào tạo. Đây là lần thứ hai, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen được trao kỷ lục Guinness. Tháng 1/2013, đêm nghệ thuật trình diễn với chủ đề "Sen" của Nhà hát cũng được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu Guinness, như một chương trình ca múa nhạc dân tộc đặc sắc về Quốc hoa.
Bố Linh Nga - NSƯT Đặng Hùng - Giám đốc Nhà hát Bông Sen nhận kỷ lục Guinness
Ngoài Linh Nga, "Sắc Sen" còn được dàn dựng và biên đạo múa bởi bố mẹ cô là NSƯT Đặng Hùng - Vương Linh cùng Trần Ly Ly.