Sau hai ngày Bộ GĐ-ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến, nhiều phụ huynh đưa ra mong muốn chương trình học mới giúp giảm được áp lực cho học sinh, tăng cường các môn học dạy kỹ năng sống và thực hành nhiều hơn.
Nên tăng cường các môn học liên quan đến kỹ năng sống nhiều hơn
“Hai hôm nay tivi đưa rầm rộ Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh có con cũng đang ngóng trông và theo dõi sát sao về những đổi mới này. Đi đón con đứng đâu phụ huynh cũng bàn tán xôn xao”. Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Hồng, (39 tuổi, Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo chị Hồng cho biết, trong chương trình học mới này ngoài những môn bắt buộc, học sinh được chọn học môn tự chọn mà các con thích và phù hợp với năng lực khả năng của chúng, không nhất thiết phải học những môn tự chọn mà mình không thích như trước đây.
“Đó là cái hay, cơ chế mở như thế học sinh có thể đi theo đam mê của mình, đồng thời phụ huynh ngay từ bé đã biết rõ được những sở thích, sở trường của con để có thể căn cứ vào đó mà định hướng cho con mình”, chị Hồng chia sẻ thêm.
Nhiều phụ huynh mong muốn phương pháp học mới giúp con giảm được áp lực. Ảnh Hải Nam.
“Mình mong rằng chương trình mới này Bộ GD-ĐT có thể lồng ghép thêm nhiều tiết học kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, những bài học về giới tính. Hiện nay, tuổi dậy thì của các cháu ngày một sớm, chính vì vậy những kỹ năng về giới tính rất cần thiết”, chị Phạm Minh Hà (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng mong muốn học sinh lớp 1 không phải chịu cảnh áp lực về học và sốc khi mới thay đổi môi trường học. “Đứa con đầu của tôi khi mới lên lớp 1 ngày nào nó đi học về cũng trong tình trạng căng thẳng thậm chí mệt mỏi. Ăn cơm mà nó cũng ăn vội, ăn vàng để đi vào học. Khi tâm sự tôi biết được ở lớp con viết không kịp nên về nhà phải viết, không viết con sợ để lâu ngày dồn lại sẽ nhiều, đồng thời sợ lên lớp sẽ bị cô giáo mắng. Đêm nào 9-10 giờ đêm cháu vẫn ngồi bên bàn học, nên tôi sợ đứa con thứ hai của mình cũng rơi vào cảnh đó”, chị Đặng Minh Nguyệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự.
Liệu con mình có phải là “chuột bạch” không?
Ngoài những điểm đổi mới tích cực được hưởng ứng thì không ít lo lắng được các bậc phụ huynh đặt ra. “Minh lo chương trình trên lý thuyết thì hay, rất thiết thực nhưng khi vào thực tế liệu có được như “mơ” không? Hay con lại làm “chuột bạch”?. Điển hình là mô hình học VNEN trên lý thuyết rất hay, nhưng khi đưa vào các trường thấy các trường kêu trời, nhiều trường phải “méo mặt” vì điều kiện chưa đáp ứng đủ”.
Nên đưa nhiều môn học dạy kỹ năng vào chương trình học. Ảnh Hải Nam.
Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến nhiều phụ huynh ở các tỉnh băn khoăn chính là cơ sở vật chất, số lượng học sinh cũng như điều kiện hiện tại của địa phương đó chưa đáp ứng được với yêu cầu của mô hình học mới và như vậy sẽ không đạt được chất lượng như mong muốn.
Chị Trần Thị Sang (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho hay: “Thay đổi chương trình học đồng nghĩa với phải thay đổi hết sách giáo khoa, cơ sở vật chất cũng phải được nâng cấp. Trong khi đó hiện nay, một bộ sách giáo khoa của học sinh cấp 1 có giá 150 nghìn đồng là đắt nhất. Nhưng nếu áp dụng mô hình học mới, giá sách giáo khoa sẽ tăng lên rất nhiều, ví dụ một bộ sách của mô hình VNEN có giá 350 nghìn đồng đã khiến cho không ít phụ huynh “méo mặt” chưa nói đến các khoản khác. Ở nông thôn, một gia đình có 3 - 4 đứa con, riêng tiền sách đã hết mấy tạ thóc rồi”.
Cùng một nỗi lo, anh Cường (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), có con năm tới vào lớp 6, cho hay: "Tôi mừng khi thấy chương trình đề cập đến việc tăng hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, trong đó mang tính tích hợp. Điều này kích thích sự sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng tổng hợp vấn đề của con, nhưng để làm được chắc chắn không đơn giản”, anh Cường chia sẻ.
Một số phụ huynh có con học THPT cho rằng, chương trình mới đã có dấu ấn định hướng nghề theo các nhóm nghề khá rõ rệt. Thế nhưng, để tạo ra những tiết học định hướng nghề thực sự hiệu quả, vai trò của giáo viên không hề nhỏ.