Tâm điểm dư luận

Tự chủ giáo dục phổ thông: Cần có sự đồng thuận

Trung Nguyễn 18/07/2023 07:30

Vừa qua, một số phụ huynh có con lên lớp 6 gửi đơn đến báo chí và cơ quan chức năng phản ánh một trường THCS tại Hà Đông, Hà Nội dự kiến thu học phí từ 3 triệu đến 3,2 triệu đồng/tháng, tổng tiền ăn học, bao gồm bán trú khoảng 6 triệu đồng/tháng, dù đây là trường công lập. Các phụ huynh cho rằng mức thu này quá cao trong khi học sinh chỉ có một lựa chọn học theo tuyến.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết, trường này hiện đang xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình HĐND. Mức học phí phải tuân theo mức quy định của thành phố và được các cấp phê duyệt. Đến thời điểm này nhà trường chưa có thông báo nào về mức học phí đối với học sinh lớp 6 năm học 2023-2024.

Tự chủ ở các trường học công lập bậc mầm non và phổ thông là xu hướng tất yếu, nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết,

Việc thực hiện tự chủ giáo dục phổ thông bắt đầu thực hiện từ năm 2006, khi có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 16 về Quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Vấn đề tự chủ trong giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT rất khuyến khích. Ngành giáo dục đã đưa ra ba khâu tự chủ: Tự chủ về chuyên môn, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính.

Về tự chủ tài chính, hiện nay với chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, Nhà nước đầu tư ngân sách để chăm lo. Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức thu học phí của giáo dục phổ thông thấp nhất là 20 nghìn đồng/tháng, cao nhất là 300 nghìn đồng/tháng, còn lại ngân sách cấp.

Thế nên, nếu các trường tự chủ tài chính là tự chủ trong quy định mức thu học phí dao động này, cộng với ngân sách nhà nước cấp. Chính vì vậy, các trường rất khó tự chủ về tài chính.

Giáo dục từ cấp mầm non 5 tuổi đến trung học cơ sở là giáo dục phổ cập, đã là phổ cập thì Nhà nước phải lo đủ chỗ học cho tất cả các em học sinh. Trường nào muốn tự chủ thì phải xuất phát từ sự tự nguyện của học sinh, phụ huynh và phải công khai đây là trường chất lượng cao theo hướng tự chủ, học phí phải đóng cao hơn.

Cái khó nhất là đáp ứng hai tiêu chí: Phụ huynh, học sinh phải tự nguyện và nhà trường phải bảo đảm chất lượng cao. Tâm lý của các phụ huynh vẫn cho rằng đã là trường công lập thì thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nhưng thu tiền học phí cao thì đấy là vấn đề cần thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận và tự nguyện.

Hiện nay các địa phương cũng đang trong quá trình triển khai, tuyên truyền vận động từng bước để nâng cao nhận thức về tự chủ trong giáo dục phổ thông.

Vấn đề tự chủ này không chỉ nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục mà ngay cả phụ huynh học sinh cũng phải thay đổi nhận thức. Nhưng muốn phụ huynh, học sinh nhận thức rõ điều này thì cần tuyên truyền tạo sự đồng thuận để họ tự nguyện tham gia.

Việc các trường công lập tự chủ cũng là một xu thế trong tương lai, gắn với sự phát triển của nền kinh tế và nhận thức của các phụ huynh. Nhưng cũng phải làm sao để tự chủ không bị đánh đồng là thương mại hóa giáo dục.

Muốn như vậy, phải công khai minh bạch rõ các nguồn thu, rõ mục đích chi. Và tất cả các nguồn thu của phụ huynh, học sinh đều biến thành chất lượng giáo dục. Học phí thu mức cao ở các trường tự chủ không phải vì lợi nhuận mà vì chất lượng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học.

Công khai minh bạch là điều bắt buộc với tất cả các trường và phải có trách nhiệm giải trình nếu như các phụ huynh yêu cầu.                   

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ giáo dục phổ thông: Cần có sự đồng thuận