Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Lê Loan| 01/03/2016 12:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (1/3), tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc xã Đức Tân ở huyện Mộ Đức, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016).

Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounthong Divixay.

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bí danh là anh Tô, sinh ngày 1/3/1906, tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi theo học ở Trường Quốc học Huế, chứng kiến cảnh chính quyền thực dân-phong kiến bù nhìn hà hiếp nhân dân, được tiếp xúc với sách báo cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ hải ngoại bí mật chuyển về, mùa Hè năm 1924, ông Phạm Văn Đồng rời Trường Quốc học với tấm bằng Thành chung, ra Hà Nội học Tú tài tại Trường Bưởi. Tại đây, ông đã tham gia tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh và vận động ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Năm 1929, sau khi dự Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Hong Kong trở về Sài Gòn hoạt động, tháng 7/1929, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo. Ông Phạm Văn Đồng đã biến nhà tù thành trường học, tham gia ban lãnh đạo cách mạng trong nhà tù, giáo dục lòng yêu nước cho tù chính trị. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, ônh được trả tự do trước thời hạn và bị quản thúc ở Quảng Ngãi một thời gian, rồi ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai.

Tháng 5/1940, ông Phạm Văn Đồng đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động Cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây. Đầu năm 1941, ông Phạm Văn Đồng cùng ông Võ Nguyên Giáp được cử về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.

Tháng 8/1945, ông tham gia Đại hội Quốc dân Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông Phạm Văn Đồng được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, là đại biểu Quốc hội khóa I.

Cuối tháng 5/1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp). Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ông được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Trung Bộ.

Năm 1947, ông được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1949, trở thành Ủy viên chính thức; cũng trong năm này, ông Phạm Văn Đồng lại một lần nữa rời quê hương trở lại chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, được đề cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tháng 2/1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ông Phạm Văn Đồng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tháng 5/1954, được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. Tháng 9/1954, được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Ngày 20/9/1955, ông được Quốc hội khóa I cử làm Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ông Phạm Văn Đồng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi với 75 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, ông đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh thủ tướng Phạm Văn Đồng

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ra trên quê hương Quảng Ngãi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Lớn lên, đồng chí đã sớm hun đúc lòng yêu nước và tiếp thu lý tưởng từ các nhà cách mạng, đặc biệt là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được chính Người ươm trồng trở thành một trong những “Hạt giống Đỏ” của cách mạng Việt Nam. Trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc, trải qua nhiều cương vị khác nhau ở địa phương và Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, nhất là những năm đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ, đồng chí luôn chú trọng nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nhằm xây dựng tiền đề và từng bước hoàn thiện chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tập trung chỉ đạo củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và phát triển lực lượng sản xuất, chú ý tính năng động, sáng tạo của cơ sở, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tìm hướng đi, cách làm để từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; luôn trăn trở trước những yếu kém, những khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý vĩ mô. Nhiều quan điểm chỉ đạo, quản lý của đồng chí đến nay vẫn còn mang tính thời sự trong công tác xây dựng Đảng và quản lý đất nước.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao tài năng, có uy tín, tầm nhìn xa, tinh tế và linh hoạt, kiên quyết nhưng mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, được nhân dân và bạn bè quốc tế kính trọng và cảm phục.

Đồng chí cũng là nhà văn hóa, giáo dục lớn của nước ta, với những quan điểm về văn hóa ở tầm chiến lược vĩ mô, thể hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong việc nâng cao vai trò của văn hóa trong hoạt động cách mạng, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

Là một trong số ít người thường xuyên sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người rèn luyện, nên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng trong sáng và suốt đời ra sức học tập tấm gương của Bác Hồ. Cuộc đời cách mạng của ông là tấm gương phấn đấu, hy sinh trọn đời vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân.

Sống gần trọn một thế kỷ, với 75 năm liên tục hoạt động cách mạng, trong đó 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, gắn liền với những trang sử vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho Đảng và dân tộc Việt Nam, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo chủ chốt, có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta. Công lao, đạo đức cách mạng, nhân cách của ông là tấm gương sáng để chúng ta và các thế hệ con cháu mãi mãi tôn vinh và noi theo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với niềm tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc, chúng ta quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh, dành nguồn lực phù hợp cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các huyện miền núi phía Tây.

Đồng thời quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế. Chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân kiên cường bám biển, xây dựng đảo Lý Sơn mạnh về mọi mặt, là tiền tiêu vững chắc về an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Tập trung giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân.

Cùng với đó làm tốt công tác xây dựng Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương và nhân cách của đồng chí Phạm Văn Đồng, hết lòng tận tụy vì nước vì dân, nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo, điều hành của các ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã hội, mở rộng dân chủ để xây dựng và phát triển quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng ta hằng mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng