Văn hóa - Du lịch

Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024

Mai Đỉnh 24/02/2024 - 09:14

Đêm 23/2, (tức 14 tháng Giêng âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Trần-chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã diễn ra Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024. Từ 5h ngày 24/2, bắt đầu phát ấn cho người dân.

Lễ Khai ấn (giờ Tý đêm ngày 14 tháng Giêng) là nghi lễ quan trọng trong Lễ hội khai ấn đền Trần truyền thống, gồm các hoạt động: từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn, dâng Chúc văn.

khai-an-den-tran7.jpg
Nghi lễ rước kiệu ấn được cử hành trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống. Ấn được rước từ đền Cố Trạch, nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần để làm lễ Khai ấn.
khai-an-den-tran2.jpg
Sau khi kiệu rước ấn được rước từ đến Cố Trạch về đến đền Thiên Trường, lực lượng Cảnh sát cơ động đã quây kín bảo vệ. Phía bên ngoài đền Trần, lượng người dân, du khách thập phương đổ về đền Trần càng lúc càng đông. Do không được vào bên trong đền, nhiều người đứng bên ngoài chờ đợi.
khai-an-den-tran3.jpg
Sau khi các nghi lễ khai ấn được hoàn tất, vào lúc 0h30 ngày 24/2, đền Trần đã mở cửa cho nhân dân và du khách thập phương vào thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh.
khai-an-den-tran4.jpg
Đúng 5 giờ sáng ngày 24/2, tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch, hàng nghìn du khách đã có mặt tại các điểm phát ấn để nhận cánh ấn lộc đầu năm.
khai-an-den-tran5.jpg
Du khách và người dân bày tỏ lòng thành tâm với Đức Thánh Trần, cầu mong một năm may mắn.
khai-an-den-tran6.jpg
Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (24/2), nhà đền sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm, bao gồm ba nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng Giêng (25/2), hoạt động phát ấn tiếp tục được tổ chức tại các nhà Giải Vũ từ 7h sáng hàng ngày.
khai-an-den-tran1.jpg
Lễ Khai ấn đền Trần đầu Xuân với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần - “Tích phúc vô cương”, ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị nhân văn mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024