Văn hóa - Du lịch

Lễ hội Oóc Om Bóc: Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer

Trần An - Thành Nhớ 12/11/2023 - 20:12

Như thông lệ hàng năm, vào giữa tháng 10 âm lịch là đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đồng bào Khmer trong khu vực ĐBSCL nói chung lại rộn ràng vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo. Đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer trong năm.

Ý nghĩa của lễ hội Oóc Om Bóc

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ "Đút cốm dẹp”, lễ hội có từ rất lâu đời bên cạnh Tết Chôl Chnăm Thmây và lễ Sene Dolta, thì Oóc Om Bóc là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer.

anh-1.jpg
Nghi thức Lễ Oóc Om Bóc tại gia đình

Theo truyền thống, vào tối 15/10 âm lịch, nghi thức lễ được tiến hành, khi mặt trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Mọi người cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một chùm cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.

Dưới cổng vòm có đặt cái bàn bày các thức cúng là sản vật của nhà nông như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp. Mâm cúng bày xong, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về hướng mặt trăng để làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn và mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc hay trong gia đình làm chủ lễ.

Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt… Cúng xong, mọi người quây quần cùng thu lộc các đồ cúng để hưởng phước, các em nhỏ thì vui chơi, múa hát cho đến đêm khuya.

Song song với lễ Oóc Om Bóc, Hội đua ghe Ngo cũng là hoạt động mà người Khmer mong chờ trong những ngày này. Trước ngày lễ hội cả tháng là nhà chùa, sư sãi, cùng ban quản trị chùa Khmer lại vận động người dân tham gia. Các chùa phải chuẩn bị để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc để luyện tập để thi đấu trong ngày hội lớn.

anh-2.jpg
Hội Đua ghe Ngo của người Khmer.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, ghe Ngo là vật dụng được người Khmer và nhà chùa coi là linh thiêng, cũng là tài sản quý của cả phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa.

Ghe Ngo có chiều dài khoảng 26m, mỗi ghe có từ 50 - 60 tay bơi. Nguyên bản chiếc ghe Ngo là loại thuyền độc mộc lớn, làm từ thân cây gỗ tốt. Ghe Ngo được thiết kế có mũi và lái cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe và chùa của mình. Giữa lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe có sức bật tốt khi bơi.

Theo tương truyền, lễ hội đua ghe Ngo gắn liền với đạo Phật do ngày xưa có một ngày vào giờ Ngọ, các nhà sư đang trên đường khất thực bỗng dưng nước đổ mênh mông, các phật tử dốc sức chở sư sãi về chùa, lễ hội đua ghe Ngo vì thế đã được tổ chức.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, lễ Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo gắn liền với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Khmer phản ánh khát vọng về cuộc sống bình an, phồn thịnh.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo 2023 tại Sóc Trăng

Trong năm 2023, tại Sóc Trăng, Lễ hội Oóc Om Bóc diễn ra từ ngày 25/11-27/11. Các hoạt động chính của Lễ hội sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 25 - 27/11/2023, gồm những sự kiện như: giải đua ghe Ngo; tổ chức Lễ Cúng Trăng; trình diễn Lôiprotip (Thả Đèn nước) và ghe Cà Hâu; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền và hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ V năm 2023; Triển lãm ảnh nghệ thuật...

Đặc biệt, hoạt động tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST sẽ được diễn ra vào 8h sáng ngày 25/11 tại công viên 30/4 (Gạo ST25 đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019).

Để chuẩn bị tốt cho lễ hội, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Ban Tổ chức có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Tổ chức, UBND tỉnh chỉ đạo các hoạt động trương chương trình Lễ hội.

Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa Lễ hội. Lễ hội còn đáp ứng tâm tư nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Các hoạt động của lễ hội nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch.

anh-3.png
Xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST

Tại buổi họp với Ban Tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023, để thông qua kế hoạch nội dung hoạt động của lễ hội, thành lập các tiểu ban thực hiện nhiệm vụ, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, Lễ hội OK Om Bóc - Đua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng năm 2023, là dịp tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Lễ hội phải thể hiện được sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, tạo điểm nhấn để vừa thu hút người dân vừa quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút nhà đầu tư du lịch đến tham quan, trải nghiệm và khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Oóc Om Bóc: Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer