Ngày 01/12, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh châu Âu (trong khuôn khổ dự án JULE) tổ chức phiên họp góp ý đối với dự thảo Quy tắc đạo đức Hòa giải viên tại Tòa án và dự thảo tờ rơi tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC dự và chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Thẩm phán TANDTC Đào Thị Minh Thủy; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Văn Thư; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC.
Cùng dự có bà Trần Thị Thu Hiền, nguyên Thẩm phán cao cấp, nguyên Chánh tòa Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND cấp cao tại Hà Nội - Trưởng nhóm xây dựng dự thảo; Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết - trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Singapore, trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, luật sư thành viên Công ty luật LNT & Partners và các Hòa giải viên thuộc Tòa án quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Hòa giải viên tại Tòa án do Tòa án tuyển chọn, bổ nhiệm và chỉ định để tiến hành hòa giải, đối thoại, giúp các bên tranh chấp, khiếu kiện thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do vậy, Hòa giải viên phải luôn tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn; nêu gương về đạo đức và ứng xử; giữ gìn hình ảnh và nâng cao uy tín của mình để xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhà nước và nhân dân.
Với mục đích xây dựng những chuẩn mực đạo đức và ứng xử cho đội ngũ Hòa giải viên tại Tòa án phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, trên cơ sở của Hiến pháp, pháp luật, sau khi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, tham khảo các quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, luật sư, Hòa giải viên của các Trung tâm Hòa giải, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), nhóm các chuyên gia đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, khác với vai trò xét xử để đưa ra phán quyết của Thẩm phán, Hòa giải viên không đưa ra bất cứ phán quyết nào mà chỉ sử dụng năng lực và uy tín của cá nhân để hỗ trợ các bên đưa ra phương án hòa giải, đối thoại hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của các bên mà các bên đều ưng thuận. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Hòa giải viên phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đặc thù về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
Để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo nêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Du cho biết mục đích của cuộc họp là lấy ý kiến tham vấn đối với dự thảo Quy tắc đạo đức Hòa giải viên tại Tòa án; đồng thời mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của các chuyên gia tham dự.
Tại phiên họp, bà Trần Thị Thu Hiền, nguyên Thẩm Phán cao cấp, nguyên Chánh tòa Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND cấp cao tại Hà Nội - Trưởng nhóm xây dựng dự thảo đã giới thiệu về dự thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên (gồm 14 điều).
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, hoạt động hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên mang tính nghề nghiệp, đòi hỏi rất cao về đạo đức và ứng xử. Luật chỉ quy định khung về nguyên tắc. Kinh nghiệm các nước cũng như Việt Nam cho thấy, các hoạt động mang tính nghề nghiệp thì luôn cần đến quy tắc đạo đức, ứng xử. Việt Nam cũng có quy tắc đạo đức, ứng xử luật sư; quy tắc đạo đức, ứng xử công chứng viên; quy tắc đạo đức và ứng xử Thẩm phán. Do đó, việc xây dựng quy tắc đạo đức và ứng xử Hòa giải viên là rất cần thiết.
Dự thảo Quy tắc được xây dựng dựa trên Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thực tiễn thi hành pháp luật cũng như điều ước quốc tế có liên quan (Luật trẻ em, Luật người cao tuổi, Công ước về quyền trẻ em…); tham khảo kinh nghiệm từ Quy tắc trong nước cũng như của các nước trên thế giới...
Với tinh thần, trách nhiệm cao, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc nhằm hoàn thiện đối với dự thảo Quy tắc đạo đức Hòa giải viên tại Tòa án theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Ban tổ chức.
Các ý kiến tập trung thảo luận một số điều của dự thảo, gồm: Phạm vi điều chỉnh; Yêu cầu chung; Tôn trọng quyền tự quyết của các bên; Bảo đảm bình đẳng; Vô tư, khách quan; Độc lập và tuân theo pháp luật; Tận tâm và thấu hiểu; Cẩn trọng; Mẫn cán; Đúng mực; Bảo mật; Không vụ lợi; Không xung đột lợi ích; Giữ gìn hình ảnh và uy tín.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với dự thảo tờ rơi tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án. Nội dung này nhằm hỗ trợ các Hòa giải viên thực hiện việc tuyên truyền. Đồng thời, dự thảo cũng được tuyên truyền tại các sự kiện khác như tại hội thảo, tọa đàm của Tòa án, Sở ban ngành liên quan. Dự thảo đã được nghiên cứu, xây dựng một cách công phu với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm và uy tín.
Kết luận phiên họp, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia đối với dự thảo Quy tắc đạo đức Hòa giải viên tại Tòa án và dự thảo tờ rơi tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở các ý kiến tham vấn, đồng chí Nguyễn Văn Du yêu cầu nhóm soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, khẩn trương chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo theo kế hoạch đã đề ra.