Theo thống kê, đến 17 giờ ngày 09/9/2024, Bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 550 tỷ đồng và ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ gia đình tại Lạng Sơn. Nhận thấy tình hình lũ lụt và sạt lở tiếp tục có diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và nhanh chóng phục hồi những hoạt động kinh tế xã hội trở lại.
Theo thống kê từ nguồn báo cáo nhanh của UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Lạng Sơn, tới cuối ngày 9/9, thiệt hại do bão Yagi gây ra trên địa bàn đến nay ước tính hơn 550 tỷ đồng.
Tại huyện Tràng Định, 2.639 hộ, tương đương trên 8.500 người đã phải di dời. Huyện Văn Lãng di dời 842 hộ, huyện Văn Quan di dời 212 hộ, trong khi Thành phố Lạng Sơn di dời 121 hộ. Tình hình di dời này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cơn bão và tác động của nó đến đời sống người dân là không hề nhỏ.
Về người, đã có 2 trường hợp tử vong. Nạn nhân đầu tiên là ông L.V.L (1975) ở xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, bị sạt lở đất làm sập nhà. Trường hợp thứ hai là ông T.V.Đ (1962) ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia, gặp nạn khi đi thăm đàn vật nuôi và bị đuối nước. Ngoài ra, 10 người khác đã bị thương do tấm lợp Fibro xi măng rơi trúng, cây đổ vào người và sạt lở đất…
Về nhà cửa, 7.183 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng, trong đó có 2.251 hộ bị tốc mái, 282 nhà bị cây đổ vào và do sạt lở đất, 4.254 nhà bị ngập nước, cùng với 396 nhà bị hư hỏng công trình phụ. Ngoài ra, còn có 26 công trình công cộng như trụ sở Công an xã, nhà văn hóa thôn, trường học và điểm bưu điện xã bị thiệt hại.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề với khoảng, khoảng 6.490 ha đất canh tác đã bị ảnh hưởng, trong đó 4.495 ha lúa, 1.393 ha màu, 603 ha cây công nghiệp và hơn 1.000 cây hồng bị gãy đổ. Lĩnh vực lâm nghiệp cũng không tránh khỏi thiệt hại, với trên 2.278 ha cây trồng như bạch đàn, keo, mắc ca và thông bị ảnh hưởng.
So với hôm qua, giao thông trên các tuyến quốc lộ như QL.1B, QL.4A, QL.279 và QL.3B đã có những cải thiện đáng kể nhờ được các lực lượng chức năng nhanh chóng xử lý cây đổ, giúp thông tuyến. Tuy nhiên, đối với hệ thống đường tỉnh, 75 vị trí vẫn bị ngập, nhiều nơi xảy ra sạt lở taluy dương. Tại các tuyến đường huyện, tình trạng cũng không khả quan hơn khi ghi nhận hơn 193 vị trí sạt lở và nhiều đoạn bị ngập; Các biện pháp cảnh báo và khắc phục đang tích cực được thi hành, một số điểm đã được xử lý nhưng tình trạng ngập úng cục bộ vẫn tiếp diễn, gây chia cắt giao thông tại 138 điểm.
Bão làm gãy đổ 45 cột điện cao thế và hạ thế, chủ yếu là các cột hạ thế, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho người dân. Bên cạnh đó, một số cột thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng, làm gián đoạn thông tin liên lạc trong khu vực.
Trong bối cảnh này, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 03.
Sáng 9/9/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thành lập hai đoàn kiểm tra nhằm chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các huyện trong tỉnh. Đoàn thứ nhất do đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dẫn đầu, đã được cử đến huyện Tràng Định. Đoàn thứ hai, do đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra tại huyện Hữu Lũng.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản, công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp ứng phó, không được lơ là hay mất cảnh giác.
Các cơ quan truyền thông cũng tích cực phát tin dự báo về diễn biến mưa lũ, nhằm giúp người dân chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã hoạt động 24/24, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và báo cáo thiệt hại cho các cơ quan liên quan.