Lần đầu “xuất ngoại” và câu chuyện tháp tùng lãnh đạo cấp cao

Đình Khải| 21/06/2019 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề báo, tôi có nhiều dịp được vinh dự tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao trong những chuyến công tác ở nước ngoài. Những chuyến đi này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm…

Lần đầu “xuất ngoại”

Tôi làm ở Phòng Văn hóa và Đời sống được 7 năm, đến năm 1986 lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam điều tôi về Phòng Thời sự. Về Phòng Thời sự, đương nhiên tôi phải tham gia tất cả công việc của một phóng viên phòng này. Và đúng như tôi dự đoán, tôi còn phải trực ca 2 để làm bản tin tối và trực ca 3 để thực hiện chương trình Thời sự 6 giờ sáng hôm sau.

Cũng không thể tránh khỏi thay phiên nhau trực ngày chủ nhật và ngày lễ. Thậm chí, đêm Giao thừa hằng năm cũng phải cùng nhau trực và lên cầu phát thanh trực tiếp “Mừng năm mới” tới 1 giờ sáng mới kết thúc công việc và trở về nhà, tự mình xông đất nhà mình. Chả thế mà anh em đặt cho danh hiệu vui là “người không có giao thừa với vợ con”.

Cũng năm 1986, tức là phải sau 21 năm “ăn cơm Nhà nước”, lần đầu tiên tôi mới được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi công tác ở nước ngoài. Tôi được cử sang nước bạn Lào để theo dõi và đưa tin về Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Tôi vui lắm! Vui vì lần đầu tiên được “xuất ngoại” với tư cách là phóng viên thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mừng đấy, nhưng lại lo đấy. Lo vì làm sao để đưa được tin bài mà tôi sẽ viết về sự kiện trọng đại này của nước bạn về Đài Tiếng nói Việt Nam để phát sóng nhanh nhất.

Ngày ấy, thông tin liên lạc quốc tế đâu tiện lợi như bây giờ. Tôi biết sự kiện này sẽ được phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam gửi về nước bằng con đường riêng của họ, để rồi hôm sau các báo trong nước sẽ đăng tải đầy đủ. Nhưng chẳng lẽ Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên trực tiếp theo dõi Đại hội, lại đi lấy tin của Thông tấn xã Việt Nam mà đọc? Và, nếu thế thì làm gì có tiếng động - một đặc thù của phát thanh?

Trong khi đang loay hoay không biết phải làm thế nào thì tôi chợt nhớ tới đường hàng không. Tôi tìm đến cơ quan đại diện của Hàng không Việt Nam tại Viêng-chăn và được biết hàng ngày có chuyến bay từ Viêng-chăn về Hà Nội vào lúc 12 giờ trưa.

Vậy là tốt rồi! Tôi quyết định sẽ thực hiện tin, bài và các băng ghi âm về Lễ khai mạc Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào một cách nhanh nhất rồi nhờ các anh ở Hàng không Việt Nam chuyển về Hà Nội. Đó là con đường duy nhất và chắc chắn sẽ nhanh nhất.

Lần đầu “xuất ngoại” và  câu chuyện tháp tùng lãnh đạo cấp cao

Đồng chí Fidel Castro với Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại La Habana (ngày 10/7/1993). Ảnh: Minh Đạo/TTXVN

Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ IV diễn ra tại một địa điểm cách trung tâm Thủ đô Viêng-chăn gần 10 cây số. Buổi sáng hôm diễn ra lễ khai mạc, tôi ra hội trường từ khá sớm. Vừa tập trung ghi âm các bài diễn văn, phát biểu, tôi vừa viết bài phản ánh theo trình tự diễn biến của Đại hội.

Tới 11 giờ trưa, Lễ khai mạc Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ IV kết thúc cũng là lúc tôi hoàn thành công việc. Tôi vội vàng chạy ra sân bay Vát-tày, vừa kịp nhờ các anh ở Hàng không Việt Nam chuyển bài viết và các băng ghi âm về Hà Nội theo chuyến bay trưa.

Chương trình Thời sự 18 giờ chiều hôm ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam kịp phát tường thuật thu thanh của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về sự kiện này. Khỏi phải nói tôi đã vui như thế nào về sự thành công trong chuyến “xuất ngoại” đầu tiên này. Thành công này cũng đã để lại những kinh nghiệm quý báu cho tôi trong những chuyến công tác nước ngoài về sau, làm thế nào để có thể chuyển tin, bài và băng ghi âm về nước nhanh nhất.

Những câu đối đáp của các vị lãnh đạo

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề báo, với phát thanh và cả truyền hình, tôi cũng có nhiều dịp được vinh dự tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao trong những chuyến công tác ở nước ngoài với vai trò là phóng viên thời sự đi đưa tin. Những chuyến đi này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.

Năm 1993, tôi mới có dịp tham gia chuyến công tác đầu tiên với lãnh đạo cấp cao. Năm ấy, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ (lúc này không gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nữa). Tôi được cử đi tham gia các chuyến công tác trong và ngoài nước với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những năm ấy, quan hệ ngoại giao của nước ta đang rộng mở với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Tháng 6/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta đi thăm hữu nghị các nước Pháp, Đức, Bỉ và Cu-ba. Tôi được cử tham gia chuyến công tác lần này.

Kỷ niệm chuyến đi này thì nhiều lắm, nhưng tôi ấn tượng nhất chính là những câu đối đáp trả lời đầy tính trí tuệ và bản lĩnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khiến bạn bè quốc tế phải nể phục.

Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ ta đã ghé thăm trụ sở của Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus theo lời mời của Chủ tịch hãng này.

Sau khi đã thăm công xưởng sản xuất và lắp ráp, Thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ nước ta quay trở lại văn phòng của Airbus.

Tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại đây là Chủ tịch Tập đoàn Airbus. Lúc ra về, Chủ tịch Tập đoàn Airbus đã tặng Thủ tướng Võ Văn Kiệt một chiếc máy bay mô hình Airbus A320. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cảm ơn bằng một câu nói đầy ý nghĩa, rằng: “Tôi cảm ơn ngài đã tặng cho tôi chiếc máy bay mô hình này. Bây giờ tôi sẽ chở nó về. Nhưng tôi hi vọng trong một ngày gần nhất nó sẽ chở tôi”.

Câu nói đó thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc mở cửa để hợp tác và phát triển, nó cũng thể hiện tầm nhìn xa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bây giờ, lời nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã là sự thực.

Một lần khác, sau chuyến thăm và làm việc với Chính phủ nước bạn vào buổi sáng, buổi chiều thì Bộ trưởng Ngoại giao của nước bạn đến thăm và chào xã giao Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam.

Vị Bộ trưởng Ngoại giao nước bạn nói rằng lẽ ra sẽ sang chào Thủ tướng sớm hơn nhưng lại sợ Thủ tướng bận vì chương trình làm việc dày đặc. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cười và vui vẻ đáp rằng: “Ồ, không sao. Tôi sang nước các ngài là để làm việc nên tôi sẽ rất hạnh phúc khi có nhiều việc để làm”.

Năm 2001, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, khi đó với cương vị là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đi thăm các nước Cu-ba, Mê-hi-cô và Mỹ. Tôi cũng được cử tham gia chuyến công tác này với vai trò là phóng viên Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam đi đưa tin.

Trong nội dung chương trình làm việc của chuyến thăm Mỹ, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một buổi nói chuyện với các giáo sư và sinh viên một trường đại học Mỹ ở Thủ đô washington.

Trong buổi nói chuyện, có một vị giáo sư của trường đại học này đã đứng lên hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Thưa ngài, tôi được biết hai nước Việt - Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và nước các ngài đang thực hiện chính sách mở cửa, muốn làm bạn với tất cả các nước. Vậy tại sao tôi muốn sang Việt Nam, khi đến văn phòng ngoại giao của các ngài làm thủ tục nhập cảnh thì luôn bị từ chối?”.

Và vị giáo sư này đề nghị: “Hôm nay được vinh dự gặp ngài với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ở đây, tôi muốn hỏi rằng nếu tôi đề nghị được nhập cảnh vào Việt Nam, ngài có bảo lãnh về các thủ tục cho tôi được không?”.

Trước câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời rằng: “Thưa ngài, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi rất cảm ơn ngài đã dành sự quan tâm đến đất nước chúng tôi. Như các ngài đã biết đấy, Việt Nam luôn luôn sẵn lòng mở cửa để chào đón những người bạn quốc tế, những người bạn thực sự đến với Việt Nam bằng thiện chí.

Tôi nghĩ vấn đề của ngài đề nghị không khó. Ngài hãy chứng minh cho phía ngoại giao và cơ quan quản lý nhập cảnh của nước chúng tôi rằng ngài là một người bạn thực sự của Việt Nam, ngài đến với Việt Nam vì thiện chí, ắt hẳn các cơ quan này sẽ tạo mọi điều kiện để ngài sang thăm đất nước chúng tôi được dễ dàng”.

Sau câu trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị giáo sư nọ im lặng và cả hội trường im lặng mất một lúc.

Những thông tin chi tiết sống động “bên lề” ấy rất quan trọng. Qua đó giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát hơn, sâu sắc hơn về hoạt động cũng như bản lĩnh, tầm vóc của các vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với quốc tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu “xuất ngoại” và câu chuyện tháp tùng lãnh đạo cấp cao