Bản sắc văn hóa chính là “linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán, lối sống của địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay cùng với quá trình hội nhập của đất nước, nhiều bản sắc văn hoá đang dần bị mai một. Bởi vậy, những thủ lĩnh đoàn ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đã và đang có nhiều việc làm tích cực để cùng chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Bản sắc văn hóa chính là “linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán, lối sống của địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay cùng với quá trình hội nhập của đất nước, nhiều bản sắc văn hoá đang dần bị mai một. Bởi vậy, những thủ lĩnh đoàn ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đã và đang có nhiều việc làm tích cực để cùng chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Luôn trăn trở và tự đặt cho mình câu hỏi “người trẻ ở bản, ở xã không biết đánh cồng chiêng, không biết hát khắp, dệt thổ cẩm… vậy khi các già làng, các bà, các mế mất đi, ai sẽ là người kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình?”. Quyết tâm không để “hồn cốt” văn hoá dân tộc mình mai một, với vai trò là thủ lĩnh Đoàn, nhiều năm qua, chị Lữ Ánh Tuyết, người dân tộc Thái, Bí thư Đoàn xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nhằm khơi nguồn tình yêu, niềm tự hào cho lớp trẻ dân tộc Thái ở địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Vào một buổi sáng tháng 5 lịch sử, chúng tôi theo chân nữ bí thư đoàn trẻ tuổi Lữ Ánh Tuyết dạo một vòng quanh xã. Qua khỏi chiếc cầu treo Bản Bộng bắc qua dòng sông Con xanh mát, vừa đặt chân đến đầu bản đã cảm nhận rõ không khí trong lành giữa màn mây, mặt trời dát vàng trên mỗi cung đường, trên những mái nhà sàn của bà con người Thái.
Bảng hiệu với dòng chữ trắng “Hồ sen bản Bộng” nổi bật trên thanh gỗ, trở thành điểm nhấn của bản. Vừa đi Ánh Tuyết vừa trải lòng: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống văn hoá, xã có 2 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống chiếm gần 50% dân số. Năm 1997, bản Bộng nơi chị sinh ra được công nhận là bản văn hoá, cũng là bản làng đầu tiên của dân tộc Thái trong cả nước đạt danh hiệu này.
Tuổi thơ lớn lên từ những điệu khắp, nhuôn, điệu múa lăm vông của bà, của mẹ, những âm thanh cồng chiêng, khắc luống, tiếng khèn, Pí của bố và những trai làng trong bản, nên bản sắc văn hóa của người Thái đã ăn sâu trong tiềm thức chị. Ánh Tuyết luôn mong muốn những giá trị văn hoá đó được lưu giữ, trao truyền và ước mơ một ngày nào đó, thế hệ trẻ như chị được sống hoà vào những lễ hội bản làng, được thay thế hệ đi trước trình diễn những bản sắc văn hoá đó.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Vinh năm 2015, Ánh Tuyết quyết định về quê, gắn bó với bản làng và có cơ duyên làm công tác đoàn. Bằng sự nỗ lực của bản thân, chị được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn xã vào năm 2022.
Từ thực tế trên địa bàn hiện nay, thế hệ trẻ không am hiểu nhiều cũng như ít có đam mê với văn hóa Thái, việc đầu tiên Ánh Tuyết làm là thành lập ra nhóm văn hoá văn nghệ và nhóm những người yêu văn hoá Thái. Tập hợp, kết nối những thanh niên người Thái trong xã lại với nhau để tìm hiểu, gìn giữ và lan toả bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Tiếp đó, với vai trò là bí thư đoàn xã, năm 2019, chị đã phối hợp với hội LHPN xã thành lập CLB “Dân ca, dân nhạc, dân vũ bản Bộng xã Thành Sơn”. Hiện nay, CLB có 60 thành viên, đều là những người trẻ có độ tuổi từ 15 - 35, CLB được chia làm 4 tổ chính gồm: tổ múa, tổ hát, tổ nhạc cụ và tổ sáng tác. Với vai trò chủ nhiệm CLB, Ánh Tuyết tổ chức sinh hoạt CLB 2 lần/tháng, tại các buổi sinh hoạt sẽ tập luyện các làn điệu suối, khắp, lăm, nhuôn; các nhạc cụ dân tộc khắc luống; khèn, sáo, trống và các điệu múa truyền thống.
Năm 2023, CLB được UBMTTQ tỉnh Nghệ An chọn tham gia biểu diễn ở Ngày hội Kết đoàn tỉnh Nghệ An tại thành phố Vinh và thường xuyên tham gia các sự kiện chính trị của địa phương, giao lưu, biểu diễn phục vụ khách du lịch. Sau gần 4 năm hoạt động, CLB đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An công nhận đạt mô hình văn hóa cấp tỉnh.
Em Lô Mỹ Linh, thành viên CLB “Dân ca, dân nhạc, dân vũ bản Bộng xã Thành Sơn”, chia sẻ: CLB trở thành sân chơi ý nghĩa cho những bạn trẻ là người dân tộc Thái chúng em. Trong những buổi sinh hoạt, Chị Tuyết chủ nhiệm CLB còn tổ chức nhiều hoạt động khác như học tiếng nói, chữ viết người Thái, ý nghĩa trang phục, các nghề truyền thống, tuyên truyền để bà con loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng…
Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người Thái, Ánh Tuyết còn cùng với già làng, những người có uy tín và chính quyền địa phương khôi phục lại 2 lễ hội quan trọng của đồng bào Thái là lễ hội Cầu mùa và lễ hội Mừng lúa mới. Nhờ đó 3 năm nay, ở bản Bộng xã Thành Sơn, 2 lễ hội này được phục dựng lại và tổ chức vào ngày mùng 5 Tết âm lịch và ngày 5/5 âm lịch hàng năm.
Ngoài ra, hàng năm Đoàn xã Thành Sơn còn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức 4-5 hội thi, chương trình giao lưu liên quan đến nội dung giữ gìn bản sắc văn hoá Thái như gói bánh sừng trâu, nấu các món ăn người Thái, nét đẹp trang phục Thái, giao lưu văn nghệ, các môn thể thao truyền thống...
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Liên, Phó bí thư huyện đoàn Anh Sơn (Nghệ An) đánh giá, đồng chí Lữ Ánh Tuyết là một cán bộ Đoàn dân tộc thiểu số nhiệt huyết, năng nổ, tích cực trong các phong trào, hoạt động của Đoàn và đặc biệt là người luôn tâm huyết trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Những việc làm của đồng chí đã góp phần lan toả, làm thay đổi nhận thức và hành động của thế hệ trẻ trong việc phát huy tinh thần trách nhiệm, kế thừa các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Với những cống hiến của mình, năm 2020, đồng chí được chọn là điển hình thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An; năm 2023 được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong chương trình Tình nguyện mùa Đông năm 2022 và Xuân tình nguyện năm 2023 cùng nhiều phần thưởng khác được các cấp, các ngành ghi nhận.
Một trong những thanh niên tiêu biểu ở huyện Con Cuông (Nghệ An) thường được nhắc đến trong thời gian gần đây là Ngân Thị Quỳnh, sinh năm 1992, Phó bí thư Đoàn xã Môn Sơn. Quỳnh không chỉ là tấm gương năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào Đoàn, Đội ở địa phương, mà còn là một người đam mê và tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Thái và có nhiều đóng góp trong phát triển du lịch cộng đồng.
Cùng Ngân Thị Quỳnh trên chiếc thuyền ngược nguồn sông Giăng để trải nghiệm du lịch sinh thái, hướng mắt về dòng sông thơ mộng, Quỳnh say sưa kể: Quê mình đẹp lắm! Chỉ cần nhắc đến những cái tên Môn Sơn, Phà Lài, Sông Giăng... là đã thấy hấp dẫn.
Quỳnh cho hay, may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên giới xã Môn Sơn, giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa, có 3 dân tộc anh em cùng chung sống là Kinh, Thái và tộc người Đan Lai, trong đó dân tộc Thái và Đan Lai chiếm 94% dân số toàn xã.
Nữ thanh niên người Thái chia sẻ thêm, văn hóa dân tộc Thái rất đa dạng, phong phú và mang nhiều nét độc đáo, đặc sắc. Qua kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, nhạc cụ biểu diễn… đã phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm, tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ ở địa phương đã không còn mặn mà trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc Thái, người hiểu và biết cặn kẽ văn hóa Thái chủ yếu là người nhiều tuổi. Với trách nhiệm của một người trẻ, trách nhiệm của người con đồng bào dân tộc Thái, Quỳnh luôn trân trọng và muốn lưu giữ, lan toả những bản sắc văn hoá dân tộc mình cho thế hệ hệ trẻ.
Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, trong những năm qua, Ngân Thị Quỳnh đã cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn xã Môn Sơn chủ động, cụ thể hóa Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020- 2025 về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Năm 2023, để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên về giữ gìn cốt cách và văn hóa xưa của người dân tộc Thái, Quỳnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức thành công chương trình Giao lưu tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái, chương trình đã thu hút trên 300 lượt cán bộ, Đoàn viên, hội viên tham gia.
Khi địa phương tập trung phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt vào năm 2021, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Bản Xiềng- Pha Lài- Sông Giăng xã Môn Sơn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Để khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển du lịch, Quỳnh đã có ý tưởng thành lập đội văn nghệ với sự tham gia của các hạt nhân là những người trẻ tuổi, đoàn viên thanh niên để phục vụ hoạt động đón khách tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tại địa phương.
Với những đóng góp của mình, năm 2023 Ngân Thị Quỳnh được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; năm 2024 được Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng danh hiệu “Đảng viên trẻ xuất sắc”.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn, Con Cuông (Nghệ An), nhận xét: Ngân Thị Quỳnh là một cán bộ Đoàn rất năng nổ, nhiệt huyết, luôn là người truyền lửa cho các phong trào Đoàn của xã. Trong thời gian qua, đồng chí luôn tích cực, chủ động tham gia và triển khai nhiều hoạt động về tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Quỳnh luôn có tinh thần trách nhiệm, lan toả những việc làm thiết thực trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và có nhiều đóng góp trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Thời gian tới, mong muốn sẽ có nhiều đoàn viên thanh niên học tập, noi gương Ngân Thị Quỳnh để xây dựng bản làng ấm no, giàu đẹp.
Gặp gỡ Lô Thị Đài Trang, Bí thư đoàn xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) - một trong những nữ thủ lĩnh Đoàn trẻ, tiêu biểu vì luôn cháy hết mình với công tác Đoàn và đặc biệt có nhiều giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Ấn tượng đầu tiên là một cô gái có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tươi, thân thiện, dễ gần. Khi được hỏi về quá trình tham gia công tác Đoàn ở địa phương, Đài Trang hào hứng kể, thể hiện rõ lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ.
Sinh năm 1990, Đài Trang từng theo học ngành Sư phạm Lịch Sử, Trường Đại học Vinh. Sau khi tốt nghiệp, Trang quyết định về quê lập nghiệp, đóng góp sức trẻ của mình xây dựng quê hương. Với sở trường hoạt động Đoàn sôi nổi ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, năm 2015, khi thấy Đoàn xã Tam Đình thiếu Phó bí thư, Trang nộp đơn và được bầu vào cương vị ấy.
Năm 2017, Trang lập gia đình và chuyển công tác về quê chồng ở xã Yên Hòa, tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã Yên Hòa. Đến tháng 7/2020, Trang được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã Yên Hòa. Trải qua gần 10 năm khoác lên mình màu áo xanh tuổi trẻ, với sức trẻ, nhiệt huyết, Trang đã cống hiến hết mình, đưa phong trào Đoàn của địa phương ngày một đi lên.
Đài Trang giới thiệu với chúng tôi vài nét cơ bản về địa phương nơi cô đang làm việc và có nhiều cống hiến: Yên Hòa nằm cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 50km, có hơn 1.100 hộ dân chủ yếu là dân tộc Thái và Khơ mú. Đây là trung tâm của vùng Xiềng Men xưa, một thời là chốn tập trung các quan lang người Thái.
Hiện nay, địa phương còn lưu giữ nhiều cảnh đẹp và nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Đây là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn. Được sự hỗ trợ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An và UBND huyện Tương Dương triển khai dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Hòa”, những năm qua, địa phương đã nỗ lực phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Nhận mình là thế hệ tiếp nối, để góp phần khai thác tiềm năng, phát triển du lịch ở địa phương, Đài Trang cùng đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng 7 công trình thanh niên gắn với xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Đồng thời, Trang còn có sáng kiến thành lập và trực tiếp điều hành Câu lạc bộ hướng dẫn và phục vụ du lịch gồm 20 thành viên là đoàn viên, thanh niên trong xã. Các thành viên câu lạc bộ là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, để giới thiệu đặc sắc văn hoá dân tộc đến với du khách.
Ngoài ra, Đài Trang đã vận động xây dựng được 3 gia trại nông nghiệp để cung cấp thực phẩm sạch cho các quán ăn trên địa bàn. Hiện, trên địa bàn có 4 quán ăn và 1 homestay phục vụ du lịch do đoàn thanh niên quản lý. Vận động được 8 đoàn viên tham gia Tổ sản xuất mây tre đan, 7 đoàn viên vào Tổ dệt thổ cẩm, vừa phục vụ cuộc sống hàng ngày, tăng thêm thu nhập, vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Nữ Bí thư Đoàn xã Yên Hoà hào hứng giới thiệu: Về với Yên Hòa quê em, du khách sẽ được tham quan cánh đồng lúa trải dài và hệ thống 40 cọn nước trên dòng Chà Hạ. Trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, thưởng thức các món ăn dân tộc, khám phá vẻ đẹp khu rừng Săng lẻ và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh... Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang âm điệu của bản làng miền Tây xứ Nghệ...
Không chỉ trăn trở việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nhận thấy địa bàn xã nằm xa trung tâm huyện, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn, với vai trò là bí thư Đoàn xã, phát huy tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thời gian qua, Đài Trang đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, sáng tạo nhằm khơi dậy được tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ tại địa phương, thu hút họ đến với tổ chức đoàn.
Hoạt động để lại dấu ấn làm thay đổi bộ mặt bản làng vùng cao của Đài Trang là xây dựng hệ thống đèn đường tại bản Xốp Kha; phối hợp xây dựng đường điện thắp sáng tại bản Yên Hương; làm điểm chỉ dẫn các điểm du lịch; Đường hoa thanh niên tại cọn nước bản Coọc; vận động, kết nối hỗ trợ tặng nhiều phần quà cho các em nhỏ với tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng…
Đồng chí Lữ Xuân Hà, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An), cho biết: Là một nữ Bí thư đoàn xã, đồng chí Lô Thị Đài Trang luôn xung kích, tiên phong trong mọi hoạt động đoàn từ cấp huyện đến cơ sở. Luôn là tấm gương sáng để cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện học tập, nêu gương.
Với sự nỗ lực không ngừng, có nhiều đóng góp trong hoạt động Đoàn, Lô Thị Đài Trang được cấp ủy Đảng, Đoàn cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022, đồng chí được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; Được xếp loại Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (giai đoạn 2018 – 2022).
Năm 2023, Lô Thị Đài Trang là 1 trong 2 gương mặt cán bộ Đoàn xuất sắc của tỉnh Nghệ An được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng cấp Trung ương. Được Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII năm 2023.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm không của riêng ai, với những người trẻ như Lữ Ánh Tuyết, Ngân Thị Quỳnh và Lô Thị Đài Trang, trách nhiệm ấy càng nặng nề và vẻ vang hơn khi các bạn là những thủ lĩnh Đoàn, lại là lớp thế hệ kế thừa, gánh trên vai biết bao kỳ vọng của quê hương, đất nước và dân tộc.
(Còn nữa)
Tuyến bài: Những người trẻ “giữ hồn” bản sắc, văn hóa dân tộc Thái
* Kỳ 1: Say sưa học để lưu giữ bản sắc
* Kỳ 2: Những thủ lĩnh đoàn nặng lòng giữ “hồn cốt” của bản, làng
* Kỳ 3: Nhiều giải pháp để văn hóa Thái sống mãi với thời gian