Kon Tum: Doanh nghiệp mở đường, khoan thăm dò khoáng sản gần di tích lịch sử

Văn Hà| 03/03/2021 11:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điểm cao 1015 - 1049 (thuộc xã Rờ Kơi và xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là Di tích lịch sử (DTLS) cấp tỉnh được UBND tỉnh Kon Tum công nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây Công ty cổ phần khoáng sản Lộc Thiên Phú, đã mở đường, khoan thăm dò khoáng sản khiến người dân và du khách vô cùng bất ngờ.

Mở đường “băm núi” gần di tích lịch sử

Chiến thắng tại Điểm cao 1015 (Charlie hay Sạc Ly) và 1049 (Delta) có ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, quyết định đến sự thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh (1 cứ điểm quân sự quan trọng của địch ở Bắc Tây Nguyên) và tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Xuất phát từ tình cảm, tình đồng đội, thể hiện lòng tri ân đối với những người lính đã hy sinh trong các trận đánh trên, các cựu chiến binh Sư đoàn 320 đã quyên góp vật chất, góp công xây dựng 2 Nhà bia tưởng niệm tại 2 Điểm cao 1049 và 1015 để tưởng nhớ đến những người lính, những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.

anh-1.-kon-tum.-tham-do-khoang-san-trong-khu-di-tich.jpg
Trước đó doanh nghiệp khoan thăm dò khoáng sản gần điểm cao 1015.

Sau khi điểm cao 1015 -1049 hoàn thành, ngày 4/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ông Nguyễn Văn Hòa, đã ký Quyết định số 112/QĐ-UBND xếp hạng, công nhận Điểm cao 1015 - 1049 (thuộc xã Rờ Kơi và xã Hơ Moong) là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Mặc dù được công nhận là DTLS nhưng thời gian gần đây, các dãy núi thuộc điểm cao 1015 lại bị doanh nghiệp mở đường, khoan thăm dò khoáng sản gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giá trị của điểm di tích. 

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hoàn (du khách đến tham quan tại đây) cho biết, đây là lần thứ ba anh đến điểm di tích này để tham quan và thắp hương cho những chiến sĩ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Trước đó, vào khoảng tháng giữa tháng 11, anh cũng đến đây và vô cùng bức xúc khi chứng kiến một nhóm người mở đường, đặt máy khoan và phá nát khu vực núi thuộc điểm di tích 1015.

“Mặc dù điểm khoan của họ nằm cách điểm di tích khoảng vài trăm mét nhưng làm như vậy cũng gây mất mỹ quan, mất đi những giá trị lịch sử đối với điểm di tích này. Chưa kể, khi khoan thăm dò nếu có khoán sản thì chắc chắn nơi đây sẽ mọc lên một điểm mỏ”, anh Hoàn bức xúc.

anh-2.-kon-tum.-tham-do-khoang-san-trong-khu-di-tich.jpg
Doanh nghiệp mở nhiều con đường “băm” núi gây mất mỹ quan.

Cần sự quan tâm đặc biệt của chính quyền

Nói về sự việc trên, Trung tướng Khuất Duy Tiến - Anh hùng LLVTND, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, người chỉ huy trận đánh Đồi Sạc Ly năm 1972 cho biết: “Chúng tôi đã góp tiền xây dựng được công trình điểm cao 1015 – 1049, công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất quan trọng cho địa phương và cho cả đất nước, có tính chất lâu dài để truyền dạy cho các thế hệ mai sau hiểu được giá trị lịch sử, những trận chiến oai hùng của dân tộc. Nếu mở đường, cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì sẽ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giá trị của công trình". 

“Quan điểm của tôi là không đồng tình về sự việc trên. Tôi mong muốn không riêng gì tỉnh Kon Tum mà Nhà nước cần phải can thiệp về vấn đề này, không để việc khai thác, thăm dò khoáng sản tiếp tục diễn ra. Dù khai thác cách 300m nhưng vẫn ảnh hưởng, phá đi giá trị của di tích. Địa phương cần phải nghiên cứu thật kỹ, bảo vệ cho công trình DTLS điểm cao 1015 – 1049”, Trung tướng Tiến kiến nghị.

Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Công lý ông Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) cho biết, việc thăm dò trên do Bộ TNMT cho một đơn vị khoan thăm dò. Trước đó, Sở TNMT có lên đây cùng với địa phương bàn giao thực địa cho đơn vị khoan thăm dò. Hiện tại thì đơn vị đã tạm dừng thực hiện khoan.

anh-3.-kon-tum.-tham-do-khoang-san-trong-khu-di-tich.jpg
Điểm cao 1015 được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là DTLS cấp tỉnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 21/09/2020 Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp giấy phép số 172/GP-BTNMT cho phép Công ty Cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú thăm dò đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) với tổng diện tích khu vực thăm dò là 48ha. Thời gian thăm dò là 36 tháng. 

Được biết, nhiều tháng qua doanh nghiệp đã thực hiện mở rất nhiều đường và khoan thăm dò khoáng sản gần DTLS 1015 (thuộc xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Vậy việc cấp phép thăm dò khoáng sản gần khu vực gần DTLS điểm cao 1015 - 1049 liệu có ảnh hưởng đến giá trị của di tích hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Báo Công lý đã liên hệ nhiều lần với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Doanh nghiệp mở đường, khoan thăm dò khoáng sản gần di tích lịch sử