Chính sách tiền lương trong bối cảnh hội nhập Tạo môi trường quan hệ lao động hài hòa

Lan Hương| 28/11/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia và Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức Hội thảo "Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập".

Chỉ có 1/3 số lao động có việc làm được hưởng lương

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Chính sách hội nhập đã đem lại nhiều cải thiện đáng kể trong đời sống cho người lao động. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách mạnh mẽ và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó chính sách tiền lương có đã nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường, phù hợp với hội nhập sâu, rộng vào kinh tế khu vực toàn cầu. Kết quả đổi mới đó đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cả người sử dụng lao động và người lao động. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong chính sách lương hiện nay như: vấn đề năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao, năng suất lao động còn thấp, các vấn đề tiền lương và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề việc làm, thất nghiệp, tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động đòi hỏi cần phải tiếp tục có những nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi kinh tế, hội nhập.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động. Trong đó, 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế.

Chính sách tiền lương trong bối cảnh hội nhập Tạo môi trường quan hệ lao động hài hòa

 Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc xác định tiền lương tối thiểu đối với người lao động

 

Theo Tổ chức ILO, tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới.

Tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Việt Nam đã có 4 lần cải cách tiền lương. Lần cải cách gần đây nhất thực hiện từ năm 2004 đến nay với mục tiêu chuyển chính sách tiền lương từ chế độ hiện vật (tem phiếu) sang trả hoàn toàn bằng tiền dựa trên nguyên tắc thị trường và hội nhập; tách bạch tiền lương khu vực hành chính và sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo thảo thuận. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành theo quy luật thị trường; tôn trọng quyền của 2 bên trong việc xác định tiền lương và ban hành mức lương tối thiểu. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thành lập hội đồng tiền lương quốc gia vào năm 2013 đánh dấu sự cải thiện đáng kể cơ chế xác định tiền lương tối thiểu của Việt Nam dựa trên cơ chế đối thoại 3 bên.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước, tạo động lực tăng năng suất và đáp ứng hội nhập. Để làm được việc này, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ đi đôi với tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hội đồng tiền lương tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, gắn với chính sách việc làm, tăng cường thương lượng tiền lương. Tiền lương tối thiểu vẫn tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đáp ứng hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động.

Tạo cơ chế thương lượng tập thể về tiền lương

Bà Sandra Polaski, Phó Tổng giám đốc ILO nhận định, số người lao động hưởng lương đang tăng nhanh tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy mức lương và sức mua của tiền lương có ảnh hưởng lớn đối với mức sống.

Theo các chuyên gia, xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Việc phát triển quan hệ lao động hài hòa có thể giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng với những thay đổi do hội nhập sâu rộng hơn ở cấp khu vực và toàn cầu mang lại.

Sự ra đời của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2013 đánh dấu sự cải thiện đáng kể của cơ chế xác định tiền lương tối thiểu tại Việt Nam. Hội đồng tạo điều kiện cho công đoàn và đại diện giới sử dụng lao động thương lượng về tiền lương tối thiểu và đưa ra khuyến nghị. Trong khi Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc xác định tiền lương tối thiểu, thì thương lượng tập thể về tiền lương vẫn còn rất hạn chế.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng LĐTBXH cho biết: Thương lượng tiền lương chưa đi vào thực chất ở Việt Nam. Nhiều khi do sức ép việc làm mà thương lượng bị bỏ qua. Lỗ hổng này thường dẫn tới đình công tự phát khi người lao động tìm cách đạt được những cải thiện về tiền lương hoặc điều kiện làm việc.

Theo ILO, với tỷ lệ lao động làm công ăn lương gia tăng trên tổng số lao động có việc làm, và nền kinh tế hội nhập sâu hơn vào các thị trường toàn cầu, việc cải thiện và mở rộng thương lượng tập thể về tiền lương trở thành một nhu cần cấp thiết nhằm thúc đẩy một môi trường quan hệ lao động mang tính xây dựng và hài hòa.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Việt Nam sẽ nghiên cứu phê chuẩn Công ước số 95 về Bảo vệ Tiền lương và Công ước số 131 về Ấn định Lương tối thiểu của ILO trong thời gian tới.

Các chuyên gia về lao động, tiền lương nhận định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách điều chỉnh tiền lương của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự cân bằng. Việc điều chỉnh tiền lương phải đảm bảo vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa giúp người lao động hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất lao động.

Theo điều tra lực lượng lao động năm 2013, lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản cũng thuộc nhóm lao động có mức lương bình quân hàng tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng). Lao động trong ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ, kinh doanh bất động sản và ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm  là hai ngành có mức lương bình quân cao nhất khoảng 6,4-7,2 triệu đồng/tháng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền lương trong bối cảnh hội nhập Tạo môi trường quan hệ lao động hài hòa