Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực cuối năm 2023

Trang Nhi 03/11/2023 - 10:00

Hai tháng cuối năm đang là thời điểm để thúc đẩy ba yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đó là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa.

Một số dấu hiệu tích cực trong kinh tế thể hiện thông qua các con số thống kê liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 10/2023, tháng đầu tiên của quý cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, trong cuộc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đã đánh giá những chuyển biến tích cực. Theo ông Dũng, trong tháng 10/2023, việc giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đã có "những chuyển biến theo hướng tích cực hơn rất nhiều".

san-xuat-cong-nghiep-khoi-sac-theo-quy.jpg
Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều tác động từ bên ngoài, nên các khó khăn của thị trường toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù chúng ta chưa đạt được mục tiêu ban đầu, nhưng điều này vẫn là kết quả đáng khen ngợi và tích cực".

Có nhiều số liệu thống kê khác cũng cho thấy điều này. Ví dụ, trong tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng việc xuất khẩu đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sau 10 tháng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 291,28 tỷ USD, giảm chỉ 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư lớn, đạt trên 24,6 tỷ USD sau 10 tháng.

Cùng với xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng có sự tăng trưởng tích cực, với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 đạt 536,300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sau 10 tháng năm 2023, tăng trưởng là 9,4%, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn tăng 4,38%, cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng bình quân (3,2%).

Mặc dù ngành công nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhưng có sự nhích dần. Chẳng hạn, chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất và kinh doanh tốt hơn đã dẫn đến việc thành lập hơn 15.400 doanh nghiệp mới trong tháng 10, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 5.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 10 tháng, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt qua mục tiêu cả năm. Giải ngân vốn đầu tư công đã đạt hơn 65% so với kế hoạch, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và thực hiện trong 10 tháng đạt lần lượt 15,3 tỷ và 18 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2019.

Xuất khẩu và nhập khẩu vẫn đang gặp khó khăn, với việc xuất khẩu giảm 7,1% và nhập khẩu giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn đang tăng nhanh, và lạm phát cơ bản 10 tháng vẫn tăng 4,38%, cao hơn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng bình quân (3,2%).

Tổng cộng tăng trưởng GDP trong 9 tháng đạt 4,24%, và mặc dù nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 5%, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo quyết tâm để đạt mức tăng trưởng khoảng 6%. Điều này đồng nghĩa với việc trong quý cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 10,6%.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rong đó nhấn mạnh giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, cần quyết liệt thực hiện thành công các cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách khác mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển.

Ý kiến về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng được đặc biệu Quốc hội nhấn mạnh. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất năm 2023, việc bung ra mạnh mẽ vốn đầu tư công để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cầu và tổng cầu của nền kinh tế là cần thiết.

Ông Nguyễn Đại Thắng nói, "Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương để phát huy kết quả đã đạt được và tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công". Ông cũng nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình đưa ra quyết định về đầu tư và quản lý giải ngân đầu tư công.

Góp ý về các nhóm giải pháp có tác động lớn tới tăng trưởng bền vững, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể 2 nhóm chính sách là: thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển doanh nhân dân tộc.

"Bài học đó tôi muốn phát huy trong việc xử lý kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Có thể dùng toàn bộ tăng thu của các năm liên tiếp tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia thì không nên tiếp tục nữa mà dành toàn bộ cho đầu tư phát triển", ông Vân kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực cuối năm 2023