Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh

Trang Nhi 12/07/2023 - 07:48

Với mức tăng GDP 3,72% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Chính phủ, tất cả các cấu thành của tổng cầu đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng hoặc xuất khẩu giảm sâu.

Tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

tong-cau-sut-giam.jpg

PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như xung đột Nga - Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 (do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).

Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cả ba động lực từ phía cầu đều suy yếu, ngoại trừ đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều sụt giảm mạnh.

“Đầu tư Nhà nước tăng mạnh nhưng còn dưới xa so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu cao); đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu hồi phục”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Trong khi đó, xuất khẩu đang giảm dần qua các quý, cho thấy tình hình đang xấu. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại vẫn thặng dư.

Nhấn mạnh đến yếu tố tiêu dùng cuối cùng, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,63% - thấp hơn mức tăng 3,56% ghi nhận trong cùng kỳ năm 2021.

"Con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho chúng ta có chính sách kích thích. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu", ông Lâm nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam sụt giảm mạnh