Đời sống

Chuyện về nữ biệt động kiên cường, bất khuất

Xuân Phương 27/07/2025 - 10:25

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, không ai ngờ rằng, có một cô bé 8 tuổi nhanh nhẹn, mưu trí, không sợ hiểm nguy làm nhiệm vụ đưa thư, chuyển liên lạc… rồi sau đó trở thành nữ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

img_3165.jpeg
Nữ biệt động Sài Gòn Lê Hồng Quân.

Nữ giao liên nhỏ tuổi

Bà Lê Hồng Quân (tên thật là Đào Thị Huyền Nga), sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước và có truyền thống cách mạng.

Ông nội của bà là cụ Đào Văn Quyện (SN 1895 - truyền nhân đời thứ tư lò võ tại Cái Da - Phú Thứ), đã tham gia hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tích cực xây dựng lực lượng và tham gia cướp chính quyền làng Phú Thứ trong Cách mạng Tháng Tám.

Cha của bà là cụ Đào Văn Tần giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Cộng hòa Vệ binh vào năm 1945. Mẹ bà là cụ Lê Thị Cấn (Lê Thị Xuân), tham gia phong trào giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, tải đạn và vũ khí cho đơn vị, đào hầm cất giấu bộ đội che mắt quân địch.

Truyền thống cách mạng đã ngấm dần trong máu của anh chị em bà. Cả 5 anh em của bà đều sớm giác ngộ cách mạng và lần lượt tham gia kháng chiến. Bà là người con áp út, hoạt động cách mạng khi chỉ mới 8 tuổi.

Trò chuyện với PV, bà Lê Hồng Quân cho biết: “Có lẽ cô có máu gan dạ từ khi trong bụng mẹ cháu à. Mẹ cô tải đạn và vũ khí trên các con ghe, tàu khi đang mang thai cô. Một lần bà đào hầm cất giữ vũ khí suýt nữa thì bị địch phát hiện, lúc đó bà mang thai cô được 8 tháng.

Khi cô được khoảng 5-6 tuổi, gia đình loạn lạc bởi chiến tranh và phục vụ cho cách mạng. Cô được mẹ gửi cho các gia đình ở làng chăm sóc để tiện cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực. Có lẽ cũng nhờ đó, mà trong cô có tính tự lập và tự học hỏi được nhiều kĩ năng như bơi lội, chèo xuồng, leo cây… mà những điều này, về sau cô đều mang vào vận dụng trong những năm tháng làm nhiệm vụ”.

Cuối năm 1954 đầu năm 1955, giặc càn quét dữ dội, bộ đội ta phải sống nương vào dân, đóng giả làm những gia đình nông dân bình thường, có người lớn, có trẻ nhỏ để tránh sự để ý của giặc và tay sai.

Trong bối cảnh đó, bà được mọi người xin gia đình cho đi tham gia cách mạng. Thế là, cô bé 8 tuổi năm đó, lên đường về vùng Ngã Năm.

Tại đây, cô bé 8 tuổi làm nhiệm vụ đưa tin, bảo vệ thông tin liên lạc, tổ chức lực lượng thanh thiếu niên, giúp các đối tượng đó giác ngộ và đi theo đường lối đúng đắn của cách mạng. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình quân địch, làm trinh sát dẫn đường cho “đội quân tóc dài” từ bên thị xã đến nội thành.

img_3180.png
Bức ảnh được chụp vào năm 1980 tại Đại hội Thương binh phía Nam, nữ biệt động Lê Hồng Quân (bên phải) được Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định thăm hỏi.

Đặc cách kết nạp vào Đảng

Thời gian trôi qua, với phẩm chất thông minh và gan dạ, bà được tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo cán bộ xã đoàn, Xã Đội trưởng, chỉ huy lực lượng thanh niên du kích trong địa bàn. Bà trở thành quyền Xã Đội trưởng trẻ nhất khi mới 15 tuổi.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ đưa quân ồ ạt vào Việt Nam. Cần Thơ trở thành trung tâm đầu não của vùng 4 chiến thuật nên địch tăng cường lực lượng phong tỏa khắp từ trong thành lẫn ven đô.

Để bám trụ được trên vùng đất không phút giây nào ngơi tiếng súng, Đảng đòi hỏi những con người thép, ý chí thép và tinh thần thép. Trong số đó, bà là một hạt nhân chủ đạo. Bà ở lại và trực tiếp huấn luyện cho các du kích quân, lực lượng thanh niên.

Vì là dân bản địa, nên bà có lợi thế về địa hình, địa vật vùng sông nước này. Ngoài giáo trình được học, bà còn vận dụng thực tiễn vào quá trình hoạt động.

Cô thanh niên trẻ tuổi năm đó đã bao lần gài chông, mìn, ném lựu đạn, lập hàng rào chiến đấu cản phá giặc. Bà còn hướng dẫn thanh niên những cách liên lạc, giao thư, giả trận để truyền tin cho bộ đội. Bọn tay sai nghe đến bà là rất tức giận, chúng từng treo giải thưởng cao cho ai bắt được nữ Việt Cộng 15 tuổi này.

Cũng trong thời ấy, cô thanh niên trẻ tuổi vinh dự được đặc cách kết nạp vào Đảng, trở thành nữ đảng viên trẻ tuổi nhất. Cũng từ đây, cô thanh niên trẻ tuổi, gan dạ và mưu trí được tổ chức đặt cho tên mới là Lê Hồng Quân, với ý nghĩa là những người trẻ không ngừng phấn đấu, cố gắng rèn luyện chiến đấu như những chiến sĩ Hồng Quân Liên Xô đúng nghĩa.

Tháng 3/1963, do yêu cầu xây dựng lực lượng, tổ chức điều bà Đào Thị Huyền Nga về nhận nhiệm vụ làm Bí thư liên chi đoàn B10 và B80 với công việc mới là tiếp vận vũ khí ở Đoàn tàu không số từ Cà Mau chuyển về tiếp sức cho Vĩnh Long, Trà Vinh (cũ).

Trong thời gian Mỹ xây dựng ấp chiến lược nhằm thực hiện kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Để thực hiện kế hoạch này, giặc huy động lực lượng phong tỏa, truy lùng ráo riết các phương tiện lưu thông trên sông, rạch.

Trước sự khốc liệt của cuộc chiến, đoàn B80 ngoan cường chiến đấu, ngày đêm tải đạn dược, vũ khí và đưa cán bộ về nơi an toàn.

Về sau, bà chia tay điểm tiếp vận tàu không số, về lại Cần Thơ, gia nhập Tiểu đoàn Tây Đô với nhiệm vụ mới. Ngày chia xa đồng đội từng vào sinh ra tử với nhau, bịn rịn, bắt tay nhau trong nước mắt. Nhưng quê nhà chưa độc lập, bà Lê Hồng Quân (cô gái 20 tuổi năm đó), nén nỗi nhớ thương, nuốt nước mắt vào lòng, rời xa đồng đội để thực hiện sứ mệnh mới.

Tự cứa cánh tay để tiếp tục cầm súng chiến đấu

Về nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn Tây Đô một thời gian không lâu, bà Lê Hồng Quân được lệnh tăng cường cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định lúc này đang rất ác liệt. Chuyến đi này yêu cầu phải bí mật, bà một mình chèo xuồng qua dòng sông Hậu trong đêm.

Chiếc xuồng ngày xa bến, mang theo cô gái trẻ và trái tim gan dạ khuất dần sau hàng dừa rợp bóng của mảnh đất Tây Đô thân thương, khuất hẳn những mái tranh nghèo nơi có mẹ, có anh và các đồng chí đồng đội của mình.

Đặt chân đến Sài Gòn, mọi thứ với cô gái chưa đầy 20 tuổi đều rất mới mẻ, cô phải học tập và làm việc nuôi thân. Học những thứ nhỏ nhặt để vào vai “người Sài Gòn” khi cần thiết.

Đồng chí Lê Thị Riêng lúc này là Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, thay mặt thường vụ T4 trực tiếp giao nhiệm vụ cho bà Lê Hồng Quân, đó là xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ lõm, chuẩn bị cơ sở và những điều kiện cần thiết thành lập đơn vị nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Thời điểm bấy giờ, Mỹ - Ngụy ra sức đàn áp phong trào công nhân học sinh xuống đường biểu tình, vì vậy các cuộc đấu tranh càng bùng phát và lan rộng.

img_3229.jpeg
Bà Lê Hồng Quân (bên trái) trong một lần vinh dự ra Hà Nội để gặp gỡ lãnh đạo Trung ương.

Trước thực tế ấy, bà Lê Hồng Quân nhanh chóng tìm đến phong trào đấu tranh chính trị và gắn mình vào các tổ chức của thanh niên và các tầng lớp công nhân.

Từ những phong trào đấu tranh ấy, bà Lê Hồng Quân gặp và biết được nhiều người dân yêu nước có chí căm thù giặc sâu sắc, bà đã trở thành sợi dây kết nối với họ, làm nền tảng cho bà xây dựng lực lượng cơ sở sau này.

Tháng 12/1967, đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Phó Bí thư khu ủy T4 trao quyết định thành lập đơn vị “Nữ biệt động nội thành Sài Gòn - Gia Định” và giao cho bà Lê Hồng Quân trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ở giai đoạn I, bà Lê Hồng Quân chiến đấu anh dũng, bị thương nặng ở chân, bà cố di chuyển căn cứ để chữa trị vết thương.

Vết thương cũ vừa lành, bà tiếp tục tham gia đợt 2 trong cuộc tổng tiến công dù cho đồng đội can ngăn nhưng bà vẫn xông pha ra chiến trận. Bà xung phong ở lại thu hỏa lực cùng hai đồng đội để ngăn đường tiến công của giặc, giúp bộ đội ta bảo toàn lực lượng. Không may bà bị thương nặng, đạn đã xuyên thẳng vào cánh tay trái.

“Trong tình thế nguy cấp, cô phải ôm súng chiến đấu với cánh tay bị thương nặng. Thời khắc ấy, mình phải lựa chọn, giặc tiến sát tới chân có chạy cũng không kịp, vậy thì ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đằng nào cũng hy sinh. Cô chìa cánh tay ra bảo đồng chí Sáu Xuân chặt dùm nhưng đồng chí Sáu Xuân khuyên nên giữ lại để về điều trị may ra có cơ hội hồi phục.

“Nhưng lúc đó, giặc đến rất gần, không chần chừ, cô rút dao cứa đứt cánh tay bị gãy bỏ lại phía sau rồi tiếp tục chiến đấu. Cô giấu chặt cánh tay vào trong ngực, máu thấm đẫm áo nhưng vẫn cố gắng chút sức lực còn lại bắn đến những viên đạn cuối cùng. Súng hết đạn, máu chảy đầm đìa ở vết thương.

Bên cạnh cô là người bạn chiến đấu Sáu Xuân đã hi sinh, trên tay còn đang nắm chặt quả lựu đạn chưa kịp rút chốt”, bà Lê Hồng Quân xúc động kể lại.

Bà Lê Hồng Quân và một đồng chí Quang (mới 15 tuổi), bị thương nặng, trong đó bà có vết thương trúng phổi. Giặc đến, cả hai nép vào nhau không chút hoảng sợ, vẫn ngẩng cao đầu trước họng súng của giặc. Giặc đưa bà và đồng chí Quang về bệnh viện Chợ Quán để chữa trị và lấy lời khai.

Kiên cường nơi "địa ngục trần gian"

Tháng 11/1969, từ trại giam Chí Hoà, bà Lê Hồng Quân bị đày ra Côn Đảo và bị giam cầm ở chuồng cọp 1- nơi được xem là “nhà tù của nhà tù”, nơi dành cho những tù nhân không chấp hành nội quy.

Để vượt qua những khắc nghiệt trong chuồng cọp, những nữ tù chính trị đã tổ chức lại sinh hoạt trong tù, chia sẻ cho nhau từng sợi chỉ, miếng cơm, hạt muối, đặc biệt là động viên nhau hãy giữ vững tinh thần.

Những tháng ngày bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man nơi "địa ngục trần gian" khiến bà không thể nào quên. Chúng nhét bột vôi vào miệng, vào mũi khiến bà nghẹt thở và ngất đi. Rồi chúng dùng gậy sắt đánh thẳng vào lưng, vào đầu giữa cái lạnh buốt giá của gió trời Côn Đảo.

img_3231.jpeg
Cuốn tự truyện Một ngày tháng Năm trong chuồng cọp của nữ biệt động Lê Hồng Quân.

Không giấu được những dòng nước mắt khi nhớ về đồng đội, bà xúc động nói: “Những tháng ngày ở Côn Đảo, cô không sợ bọn hung ác tra tấn, cái chết với cô có là gì nữa, nhưng điều cô sợ nhất là tiếng la khóc xé trời của các chiến sĩ khi bị tra tấn.

Mỗi đêm, bọn cai ngục sẽ bắt một đoàn 7-8 người, cởi trần chỉ mặc một chiếc quần cộc giữa cái giá rét, chúng đào 7-8 lỗ cát, mỗi 1 người khi đến lỗ, chúng hét to “ly khai hay không ly khai”, đáp lại mỗi câu hỏi được lặp lại vang vọng cả vùng trời “không ly khai”. Thế là bọn chúng dùng gậy đập thẳng vào lưng người tù để vừa đủ ngất nhưng không làm cho chết. Sau đó chúng cho xuống hố cát sâu và lấp lại.

Sau mỗi một tiếng la thất thanh, ngồi trong ngục tù, cô chỉ biết khóc trong tiếng nấc nhẹ, cô thầm cảm ơn đồng đội đã giữ vững lòng kiên trung, mỗi một tiếng la dẫu biết rằng đồng đội mình đã ngã xuống nhưng đó lại là một bản tin chiến thắng mà họ đã truyền đến tạo nên sức mạnh tinh thần cho cô và những đồng đội ở lại”.

img_3228.jpeg
Sinh viên Khoa Khoa học Chính trị (ĐH Cần Thơ) trong buổi thăm hỏi nữ biệt động Lê Hồng Quân và lắng nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa, cảm động của bà.

Bằng những mối liên hệ đặc biệt, giữa nhà tù tàn ác của quân thù, bà có được bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã học thuộc và truyền lại cho chị em trong chuồng cọp Côn Đảo.

Đối với bà, đó là một thứ vũ khí tư tưởng, tinh thần vô cùng quan trọng, tiếp sức cho tập thể nữ tù chính trị ở chuồng cọp Côn Đảo trong các cuộc đấu tranh, giữ vững khí tiết.

Hành trình tìm đồng đội

Chiến tranh kết thúc, quê hương độc lập, nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp, nữ biệt động Lê Hồng Quân tiếp tục cuộc tìm kiếm những đồng đội năm xưa. Bà tích cực tham gia các hoạt động tri ân đồng đội, xác nhận hồ sơ chính sách cho các nữ biệt động khác.

Hành trình tìm lại tên cho đồng đội của bà vô cùng gian nan. Để có cơ sở pháp lý, bà phải lặn lội khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan chức năng để minh chứng, cung cấp hồ sơ pháp lý về Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

img_3166.jpeg
Anh Nguyễn Minh Cường, giáo viên trường THPT Hoàng Thái Hiếu (Cần Thơ) đến thăm hỏi nữ biệt động Lê Hồng Quân.

Thứ duy nhất bà có được lúc bấy giờ chỉ là bức thư tay của đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư phân khu Nội đô, người trực tiếp tham dự buổi họp thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Từ những năm 80 – 90 của thế kỷ XX, bà và một số cán bộ của Tiểu đoàn nhiều lần dùng tiền lương hưu của mình, bỏ công đi tìm đồng đội, để nếu có ai chưa được hưởng chính sách Nhà nước theo quy định thì xác nhận cho họ.

Hiện nay, số lượng hồ sơ chính sách được xác nhận đến nay đã lên 200 người.

img_3206.jpeg
Phóng viên Báo Công lý đến thăm hỏi và tặng quà nữ biệt động Lê Hồng Quân nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Sau một buổi chiều tâm tình, chia sẻ với PV Báo Công lý trong không khí của những tháng Bảy thiêng liêng, nghĩa tình, khi cả nước nói chung và những người làm báo nói riêng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công với nước, bà Quân nhắn nhủ: “Cô mong các con sau này cố mà học tập, làm việc, vững tin theo Đảng và Nhà nước. Có được tự do, hòa bình không dễ, cố gắng mà giữ gìn”.

Đào Thị Huyền Nga hay Lê Hồng Quân, dù là tên gọi khác nhau nhưng cùng là người con gái của vùng đất Tây Đô ân tình, mang trong mình trái tim bất khuất, kiên cường với tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm.

Bà và biết bao nhiêu anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến một phần xương máu của mình cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Bà và lớp lớp cha anh trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau, nguyện suốt đời noi gương lớp người đi trước, phấn đấu, học tập, tu dưỡng trở thành công dân có ích cho xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày một phồn vinh và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về nữ biệt động kiên cường, bất khuất