Kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số

Trang Nhi| 21/06/2021 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

CLY - Kinh tế cho báo chí hiện đang là “bài toán khó” cho toàn bộ các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cộng với sự cạnh tranh gay gắt của các mô hình truyền thông khác như mạng xã hội.

Các chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan báo chí trong suốt hai năm qua đã cùng ngồi lại nhằm tìm ra hướng đi thích hợp cho báo chí trong thời gian tới. Qua đó đảm bảo toàn vẹn các yếu tố nội dung trong sạch nhưng vẫn tạo ra nguồn thu tương xứng cho các tờ báo.

Đại dịch Covid-19 và bài toán sống còn cho cơ quan báo chí

Tính đến hết năm 2020, cả nước hiện có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, 98 tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử).

Theo thống kê, trong năm 2020, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí đã giảm mạnh theo từng quý, cá biệt có một số trường hợp mất tới 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông. Đáng chú ý, với các đài phát thanh truyền hình, mô hình tạo ra nguồn thu kinh tế lớn hơn báo in, báo điện tử cũng phải đối mặt với sự suy giảm trầm trọng khi nhiều nhà đài mất tới 25-30% so với năm 2019, cá biệt có những đài giảm tới 50%.

Không dừng lại ở đó, các cơ quan báo chí còn phải đối diện với nguy cơ lớn hơn, lâu dài hơn và chắc chắn là khốc liệt hơn trong tương lai, đó là sự cạnh tranh đến từ các nền tảng xuyên biên giới khác như Google, Youtube hay Facebook …

Theo nghiên cứu, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 con số này sẽ ở mức 955,7 triệu USD. Tuy nhiên khoảng 78% doanh thu này lại rơi vào tay Google, Facebook... Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng con số % trên sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Mặc dù trong bối cảnh vô vàn khó khăn như vậy nhưng với sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề vẫn tìm thấy cơ hội khi sẵn sàng thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ cao, qua đó mở rộng được tập khách hàng cũng như doanh thu. Có thể kể đến như thương mại điện tử, tiêu dùng thiết yếu, công nghệ thông tin … vẫn tăng trưởng tốt mà không chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19.

Và hiển nhiên báo chí cũng không phải ngoại lệ. Do đó có thể nói: Tương lai của báo chí chính là Chuyển đổi số.

Chuyển đổi số từ nội dung…

Rất nhiều cơ quan báo chí đang phải đối diện với nhiều khó khăn, từ cạnh tranh bởi các nền tảng xuyên biên giới cũng như tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cần có cái nhìn lạc quan hơn, coi khó khăn chính là thách thức, là cơ hội, là thời điểm để tự nhìn nhận lại liệu đến đã đến lúc tờ báo cần phải có sự “lột xác” nhằm loại bỏ các tư duy cũ, mô hình hoạt động cũ không còn phù hợp để hướng tới phương thức hoạt động mới như nhiều cơ quan báo chí quốc tế đã và đang thực hiện thành công để thích hợp với dòng chảy của thời đại.

Ví dụ như báo Kinh tế & Đô thị, trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên các ấn phẩm như báo giấy, báo điện tử (kinhtedothi.vn), báo phiên bản tiếng anh (hanoitimes.vn) đã từng bước được chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại và coi đây là yếu tố sống còn của tờ báo.

screen-shot-2021-06-20-at-11.47.08-pm.png
Báo Kinh tế & Đô thị phiên bản tiếng Anh. (Nguồn: chụp màn hình)

Báo Kinh tế & Đô thị hiện sử dụng mô hình toà soạn hội tụ, dựa trên một nền tảng CMS có thể quản lý, điều phối, biên tập, đẩy tin bài lên tất cả các ấn phẩm báo in và báo điện tử, từ đó giúp công việc được tiến hành nhanh chóng hơn, đồng thời cũng bỏ được qua một số khâu trung gian cần phải có nhân sự thực hiện. Từ đó xây dựng được một toà soạn nhỏ gọn nhưng hiệu quả cao

Hiện nay, với sự thoái trào của báo in, báo điện tử cũng chính là ấn phẩm được nhiều cơ quan báo chí đầu tư trọng điểm, ứng dụng hàng loạt các công nghệ mới mà nhiều tờ báo trên thế giới đang có.. Thay vì chỉ đơn thuần là một tờ báo điện tử, nhiều toàn soạn đã xác định đó phải là một nền tảng. Những tác phẩm báo chí trên báo điện tử không chỉ được đăng tải trên mặt báo mà còn đồng thời xuất hiện ở các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo …

Việc thực hiện các tin bài hàng ngày cũng có sự thay đổi lớn. Bên cạnh những thông tin thời sự, chính trị, phần lớn thông tin của các cơ quan báo chí đều được thực hiện dựa trên nhu cầu của người xem. Những xu hướng đọc này đều được tổng hợp từ Google, Facebook, báo chí trong nước thông qua hệ thống do báo chủ động xây dựng.

Nguồn thu qua kênh Youtube cũng là mục tiêu quan trọng. Việc đầu tư đội ngũ truyền hình được trang bị đầy đủ máy móc kỹ thuật cao nhằm sản xuất ra các tác phẩm báo hình chất lượng. Rồi từ đó đăng tải lên Youtube để kiếm doanh thu từ số lượng người xem. Đây cũng là hướng đi cần thiết bởi như trên thế giới, báo điện tử sẽ dần có chức năng tương tự như một đài truyền hình.

Xây dựng và đưa vào ứng dụng những công nghệ mới để phục vụ bạn đọc như: Sử dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt xu hướng đọc của người dùng, đọc báo bằng giọng nói tự động, sử dụng chatbot để nhận và phản hồi thông tin với bạn đọc. Thực hiện liên kết, kết nối dữ liệu giữa đơn vị báo và cơ quan chủ quản, để từ đó, thay vì phải vào nhiều trang web của các sở ban ngành để tra cứu văn bản, đăng ký các dịch vụ công … bạn đọc có thể thực hiện tất cả những điều này ngay trên trang báo. Cách thức mới này không chỉ giúp tiết kiện, thuận lợi cho bạn đọc mà còn có thể tạo nguồn thu cho báo thông qua lượng người truy cập.

…Đến “Chuyển đổi số” trong kinh doanh

Ngoài các đổi mới về kỹ thuật, nhiều tờ báo đang từng bước “chuyển đổi số” trong nhận thức của phóng viên, nhân viên kinh doanh. Nếu như trước đây, toà soạn chỉ thụ động ngồi đợi doanh nghiệp đến quảng cáo thì nay mọi thứ đã thay đổi 180 độ. Các phóng viên, nhân viên kinh doanh đã chủ động tìm đến doanh nghiệp, nghiên cứu trước nhu cầu quảng bá để từ đó đưa ra sự trợ giúp, tư vấn với từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt, không thiếu các doanh nghiệp được báo thực hiện quảng bá miễn phí, khi thực sự có hiệu quả mới tính đến phương án hợp tác kinh tế.

Bên cạnh đó, cách thức quảng bá cho doanh nghiệp cũng được đa dạng hoá thay vì chỉ thể hiện trên một bài viết thông thường. Thương hiệu của doanh nghiệp có thể được xuất hiện trong ấn phẩm báo chí sẽ được đăng tải trên những nền tảng Facebook, Youtube … Cách thể hiện cũng đa dạng hơn từ longform, megastory, video tương tác …

Không chỉ vậy, với việc kết nối thông qua BigData, hệ thống trên còn giúp báo chí chủ động xác định được đối tượng doanh nghiệp có nhu cầu quảng bá khớp với lợi thế mà báo đang có, từ đó giúp báo khai thác tốt được đối tượng tiềm năng. Đây hứa hẹn sẽ là bước đột phát trong khâu hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp.

Cần phải nói, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại nhiều công nghệ mới cho hiện tại và tương lai như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, Bigdata … Và sứ mệnh của báo chí chính là kết hợp với những công nghệ trên để hình thành một hệ sinh thái có tính bổ trợ lẫn nhau.

Chỉ có Chuyển đổi số mới giúp báo chí thoát khỏi gông cùm của sự lạc hậu, sự trì trệ vốn bị níu kéo từ các mô hình hoạt động cũ từ đó phát sinh những nguồn thu mới nhằm có một tương lại bền vững hơn.

Nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hoạt động báo chí

Bên cạnh Luật Báo chí, Luật Ngân sách nhà nước cũng đã mở ra cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản, thông tư về định mức chi thực hiện công tác tuyên truyền như phổ biến pháp luật, cải cách hành chính … Điều này không chỉ giúp các chính sách tiếp cận tới người dân một cách dễ dàng hơn thông qua các cơ quan báo chí mà còn giúp tạo ra nguồn thu ổn định cho đơn vị truyền thông theo từng năm.

91585678_2610833652539567_7811696417864417280_n.jpg
Hai phóng viên trẻ báo Lao động tác nghiệp giữa tâm dịch 

Đáng chú ý vào đầu tháng 4/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, để cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện cho cơ quan báo chí nâng cao chất lượng thông tin hằng năm tăng khoảng 20% số lượng tin, bài, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020.

Đây là một Chỉ thị mang rất nhiều tích cực từ Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo trong 5 năm tới, báo chí sẽ có một nguồn thu từ kinh phí tuyên truyền điều mà báo chí thường xuyên làm miễn phí trước đây.

Các cơ quan báo chí đang ở giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới này. Với những hậu quả mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra khiến các toàn soạn bị giảm mạnh về doanh thu phát hành cũng như doanh thu quảng cáo. Qua đó đẩy tình hình kinh tế của các tờ báo đến ngưỡng báo động.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong đó thắt chặt hơn hoạt động của những nền tảng xuyên biên giới. Bắt buộc những nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cần thống nhất quan điểm báo chí Việt Nam là báo chí công; cơ quan báo chí là đơn vị hành chính sự nghiệp, phục vụ lợi ích đất nước. Do đó phải có chính sách rõ ràng trong việc hỗ trợ, giao nhiệm vụ, đặt hàng về mặt kinh phí cho báo chí. Hoạt động hỗ trợ này có nhiều cách, từ chế độ lương, quỹ nhuận bút, cơ chế đặt hàng cho báo chí.

Tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho cơ quan báo chí hoạt động thuận lợi. Bãi bỏ những quy định vấp phải sự phản ứng hợp lý từ các cơ quan báo chí, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP là một ví dụ.

Có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ tháng 4/2020.  Các tỉnh, thành phố cần bố trí thêm những gói tuyên truyền về phòng chống Covid-19 cho các cơ quan báo chí. Điều này không chỉ giúp công tác phòng chống đại dịch có hiệu quả hơn mà qua đó cũng là sự hỗ trợ dành cho cơ quan báo chí trong thời điểm khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số