Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội đã trình bày tham luận về kinh nghiệm xét xử các vụ án kinh tế
Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội đã trình bày tham luận về kinh nghiệm xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Báo Công lý trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Là cơ quan xét xử nằm trên địa bàn Thủ đô nên TAND thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Trung ương, TANDTC, Thành ủy Hà Nội nên đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô hiện nay còn tiềm ẩn phức tạp, số lượng án TAND TP Hà Nội phải giải quyết ngày càng tăng, chỉ tính riêng năm 2018 đã thụ lý 39.103 vụ án các loại (tăng 7.990 vụ so với năm 2017), cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Trong đó, có những vụ án kinh tế, tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đông bị cáo, xảy ra trên nhiều địa bàn, địa phương khác nhau, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt.
Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, TAND TP Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tổ chức xét xử thành công các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể:
Một là, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; phiên tòa được diễn ra trên tinh thần đổi mới, dân chủ, công khai khách quan; mô hình phòng xử, trang phục Thẩm phán lần đầu tiên được áp dụng. Việc tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, không hạn chế thời gian tranh tụng, Kiểm sát viên thực hiện đối đáp đến cùng, Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ các hành vi tố tụng, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng.
Chánh án TAND Tp. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính trình bày tham luận tại Hội nghị
Hai là, bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã chủ động khởi tố vụ án và kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Ba là, kết quả xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.
Để có được những kết quả nổi bật ở trên thì công tác chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa; Tòa án đã làm rất chu đáo và kỹ lưỡng. Một số kinh nghiệm trong việc tổ chức xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua được Tòa án Hà Nội áp dụng như sau:
Trước tiên, khi được Trung ương phân công giải quyết vụ án tham nhũng, lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã chủ động họp, lựa chọn Thẩm phán và HĐXX có năng lực, trình độ, bản lĩnh, am hiểu về chuyên môn để xét xử và quán triệt rõ về ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của việc giải quyết vụ án, trách nhiệm của Thẩm phán và HĐXX khi được phân công giải quyết vụ án.
Đồng thời, yêu cầu Thẩm phán chủ động phối hợp cùng Điều tra viên và Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, đánh giá các chứng cứ buộc tội, gỡ tội ngay từ khi khởi tố điều tra, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng không phải là để thống nhất tội danh, mức hình phạt, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử mà là để giúp Thẩm phán có thời gian nghiên cứu dài hơn, nắm vững hồ sơ và hiểu được bản chất hành vi phạm tội của bị cáo, mỗi cơ quan sẽ làm tốt hơn chức năng của mình và đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”, điều này rất cần thiết đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Tiếp đó, khi thụ lý hồ sơ vụ án, lãnh đạo Tòa án trực tiếp chỉ đạo thành lập tổ công tác bao gồm một số Thẩm phán và Thư ký có kinh nghiệm, tổ chức nghiên cứu hồ sơ theo từng hành vi mà Cáo trạng truy tố như tội danh, diện truy tố, chứng cứ buộc tội, gỡ tội... Hàng ngày, họ phải báo cáo kết quả nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để bổ sung và hoàn thiện hồ sơ. Thẩm phán phải lên kế hoạch xét xử như: trình tự hỏi, thời gian xét hỏi, nội dung xét hỏi, kế hoạch cách ly, đối chất các bị cáo (nếu thấy cần thiết); và đặc biệt phải tiên lượng, dự báo các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như tình huống hoãn phiên tòa vì bị cáo ốm, luật sư vắng mặt hoặc bị cáo, luật sư đưa ra tài liệu, chứng cứ mới, thiếu người tham gia tố tụng... để có phương án xử lý phù hợp, tránh hoãn phiên tòa. Trường hợp hồ sơ có vấn đề chưa rõ thì tổ công các và Thẩm phán chủ tọa chủ động trao đổi với Điều tra viên, Kiểm sát viên, đồng thời củng cố niềm tin cho Thẩm phán trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Bên cạnh đó, HĐXX luôn chủ động trong quá trình xét hỏi và điều hành phiên tòa theo đúng quy định pháp luật; tiến hành thẩm vấn theo từng nhóm tội danh, từng nhóm chủ thể và làm rõ từng nội dung trong vụ án, việc tranh luận cũng được áp dụng theo phương thức “cuốn chiếu” đối với từng bị cáo, xong bị cáo này mới đến bị cáo khác, đảm bảo quá trình tranh luận, chứng minh tội phạm được giải quyết dứt điểm từng nội dung cần làm rõ. Việc thẩm vấn bị cáo nào trước, bị cáo nào sau được tính toán kỹ lưỡng để tránh việc quanh co chối tội; đối với vụ án mà bị cáo có nhiều lời khai mâu thuẫn thì chủ động tiến hành cách ly, đối chất và dùng lời khai của nhân chứng và người tham gia tố tụng khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Đồng thời, chủ động định hướng cho bị cáo, người tham gia tố tụng trả lời đúng vấn đề trọng tâm câu hỏi; hướng cho Kiểm sát viên đối đáp lại nội dung bị cáo và luật sư đưa ra, không hạn chế thời gian tranh tụng; chú ý và lắng nghe ý kiến của bị cáo, luật sư bào chữa, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Phán quyết của HĐXX thật sự khách quan, dân chủ, tôn trọng kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và không bó hẹp trong phạm vi cáo trạng truy tố. Điểm rất mới trong xét xử những vụ án tham nhũng lớn của TAND TP Hà Nội trong thời gian qua là HĐXX đã trực tiếp hỏi Điều tra viên để làm rõ những vấn đề chưa rõ về tố tụng trong vụ án mà bị cáo, luật sư trình bày. Thứ hai, ra quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.
Thực tiễn, trong thời gian vừa qua, TAND TP Hà Nội xét xử một số vụ án như vụ Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng... đã chủ động kiến nghị 14 vấn đề và đến nay cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố một số vụ án như: vụ án xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam; vụ án xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsopetro; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN và vụ án Trần Đức Chính, nguyên Trưởng ban tài chính kiêm kế toán trưởng Viện dầu khí Việt Nam...
Không những thế, Tòa án Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn trước, trong và sau phiên tòa, đồng thời chủ động nắm bắt diễn biến hàng ngày sau mỗi phiên xử để có phương án xử lý những vấn đề mới phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức xét xử, nhằm giải quyết tốt vụ án.
TAND TP Hà Nội đã chủ động định hướng thông tin báo chí thông qua việc cung cấp đầy đủ, chính xác, mọi thông tin về diễn biến và kết quả phiên tòa đến các cơ quan báo chí; kịp thời định hướng đối với những thông tin báo chí chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác.
Theo Chánh án Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, vụ án Phan Văn Anh Vũ giai đoạn 2 và vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được TANDTP Hà Nội đưa ra xét xử trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.