Trục lợi từ… hợp đồng góp vốn

Tống Toàn| 09/05/2015 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không ít khách hàng mua nhà tại dự án CT4 Vimeco (Cầu Giấy, Hà Nội) bị choáng váng vì phải trả tiền chênh tới 400 - 500 triệu đồng/căn hộ.

Các căn hộ đang được giao dịch “núp” dưới dạng hợp đồng góp vốn vì dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để bán. Vậy, ai là người được hưởng lợi?

Tiền “chênh” lên tới nửa tỷ đồng/căn hộ

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các sàn môi giới bất động sản phía Tây Hà Nội rao bán rầm rộ các suất ngoại giao tại dự án CT4 Vimeco do Công ty cổ phần VIMECO (là Công ty con do Tổng Công ty Vinaconex sở hữu 51%) làm chủ đầu tư. Theo thông tin công bố, dự án CT4 cao 39 tầng, có 400 căn hộ. Giá chào bán trong hợp đồng góp vốn 24 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT, 2% phí bảo trì. Sau khi có được suất, các cổ đông không có nhu cầu đã đem các suất này chào bán ra thị trường với mức chênh "cắt cổ" 350-500 triệu đồng/căn hộ. Nếu cộng cả tiền chênh, giá bán dự án CT4 Vimeco sẽ được xác lập mức mới 27-29 triệu đồng/m2. Thêm nữa, nếu cộng cả 10% thuế VAT, 2% phí bảo trì thì giá bán khoảng 31-33 triệu đồng/m2. Mức giá dự án này được cho là không hề thấp khi thời điểm bàn giao nhà kéo dài đến năm 2018, trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư lại rất yếu.

Do dự án chung cư CT4 Vimeco chưa đủ điều kiện để bán nên chủ đầu tư chỉ được huy động vốn tối đa 20% số lượng căn hộ không qua sàn. Theo quy định, bản danh sách này phải được gửi lên báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội và phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhiều tháng nay kể từ thời điểm huy động vốn, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc báo cáo này. Điều đáng nói là, nếu 80 căn được bán “chui” dưới dạng hợp đồng góp vốn, thì theo giá thị trường hiện nay, tổng số tiền chênh lệch không hề nhỏ lên tới 28-36 tỷ đồng sẽ “chảy” vào túi những ai?

Trục lợi từ… hợp đồng góp vốn

 Hợp đồng của Vimeco

 

Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Vimeco vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã thực hiện việc huy động vốn tại dự án chung cư CT4 Vimeco và ưu tiên cho những cổ đông hiện hữu của công ty được tham gia góp vốn. Trong đó, phía Tổng Công ty Vinaconex chiếm 51% cổ phần, một cổ đông khác là Công ty An Quý Hưng chiếm 13,5%. Như vậy, nhiều khả năng các suất ngoại giao góp vốn đều là cổ đông nội bộ trong Công ty cổ phần Vimeco. Thực tế đã chứng minh, bản danh sách những cổ đông tham gia góp vốn vào dự án có rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Tổng Công ty cổ phần Vinaconex như ông Thân Thế Hà, ông Lê Doanh Yên, ông Dương Văn Mậu hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex.

Ai được, ai mất?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động đầu tư của Vimeco có quy mô khá nhỏ, chỉ khoảng 30,7 tỷ đồng. Số tiền chi chủ yếu cho hoạt động đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định… Trong khi ấy, tiền lưu chuyển từ hoạt động tài chính lại tăng rất mạnh. Đáng chú ý, trong năm 2013-2014, Vimeco nhận được khoản tiền vay dài hạn và ngắn hạn lần lượt là 417,9 tỷ đồng và 531 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cũng chi tương ứng tới 489,6 tỷ đồng và 492 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay. Như vậy, hai năm qua, số tiền trả nợ gốc vay của Vimeco lên tới 981,6 tỷ đồng. Hiện, tính đến cuối năm 2014, nợ của Vimeco vào khoảng hơn 800 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2014, Vimeco có nợ vay ngắn hạn và dài hạn của nhiều ngân hàng, cá nhân với tổng nợ hơn 281,83 tỷ đồng (gồm cả 28 tỷ đồng nợ của công ty con - Vimeco MT). Công ty đã vay của nhiều chi nhánh ngân hàng như BIDV, MB, Vietinbank… Tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng gồm nhiều máy móc, phương tiện, xe, trạm trộn bê tông, hợp đồng tiền gửi, quyền đòi nợ từ công trình thi công… và một số khoản vay ngân hàng đã không có tài sản thế chấp. Với việc tăng phát hành cổ phiếu để tăng vốn và vay nợ ngân hàng, cá nhân, Vimeco đã huy động được nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ được công ty “rót” vào đâu, phục vụ dự án nào lại không được công bố cụ thể cho cổ đông.

Câu hỏi đặt ra là, với khoản nợ ngập đầu như vậy, vì sao Vimeco không thu tiền của khách hàng góp vốn CT4 Vimeco theo giá thị trường, giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Công ty, tạo niềm tin cho đại bộ phận cổ đông đã tin tưởng đồng hành cùng Vimeco? 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trục lợi từ… hợp đồng góp vốn