Sức Khỏe

Kiểm soát đồ uống có đường, giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì

Chí Tâm 05/06/2023 - 11:17

Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, cùng với đó là gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất một lần/ngày.

WHO đã định nghĩa đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do như đồ uống có ga hoặc không có ga; nước ép, nước pha từ trái cây, rau; chất cô đặc lỏng hoặc dạng bột; nước có hương vị; nước uống tăng lực, tăng cường thể thao; trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có hương vị.

do-uong.png
Cần có các giải pháp để kiểm soát đường uống có đường

‎Theo số liệu thống kê, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

"Thừa cân, béo phì cũng làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm, bao gồm: Ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và tử vong sớm liên quan", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.

Cùng với lượng đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm. Mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh được coi là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam. Thừa cân béo phì lại là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm.

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.

"Điều đáng báo động là hiện nay đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Nhiều gia đình ngày 3 bữa đều cho trẻ uống đồ uống có đường cùng trong bữa ăn. Trong khi đó, nếu một ngày, đứa trẻ chỉ uống 1 lon hoặc 1 chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, với khoảng 36gram đường tự do trong mỗi lon nước ngọt", PGS.TS Lê Bạch Mai thông tin.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người dân có thể giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách:

- Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.

- Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn...) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, sirô...

-Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn.

- Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.

- Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.

- Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.

- Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.

- Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát đồ uống có đường, giảm thiểu gánh nặng thừa cân béo phì