Doanh nghiệp - Doanh nhân

Kiến nghị bổ sung không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Trang Nhi 17/03/2023 - 07:53

Các doanh nghiệp cho rằng thức uống có đường không liên quan bệnh thừa cân béo phì nên kiến nghị không đưa chúng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi sửa luật.

Bộ Tài chính đang dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn. Lý do đây là những thức uống gây bệnh thừa cân béo phì và việc đánh thuế để điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

do-uong-co-duong.jpg
Doanh nghiệp kiến nghị bổ sung không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Ảnh minh họa

Tại hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng, dẫn số liệu cho biết bệnh thừa cân béo phì liên quan tới mất cân bằng giữa nạp năng lượng vào và tiêu hao, vận động thể lực ít hay nhiều.

Theo bà, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố. "Chất béo trong đồ ăn gây thừa cân béo phì nhiều hơn việc uống nước ngọt. Không có mối liên quan giữa đồ uống có đường với bệnh thừa cân béo phì", bà Lâm nói.

Đan Mạch là một trong số quốc gia đánh thuế này từ năm 1930 nhưng tới 2014 đã phải bỏ vì không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Đà Nẵng cũng bày tỏ quan ngại nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm này. Theo ông, hiện không có định nghĩa "đồ uống có đường", nên với cơ sở Bộ Tài chính đưa ra, có thể đánh thuế sang các sản phẩm dinh dưỡng khác như sữa, sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ, hay nước uống điện giải bổ sung trong thể thao.

Trưởng tiểu ban Nước giải khát (VBA) Đỗ Thái Vương nêu thực tế ngành nước giải khát đang phục hồi sau dịch và hiện gặp nhiều khó khăn với những bất ổn từ tình hình thế giới, chi phí sản xuất tăng. Các doanh nghiệp đồ uống cần môi trường chính sách ổn định về thuế, phí để quay lại thời kỳ tăng trưởng như trước dịch.

Ông nói thêm, nếu áp thuế với đồ uống có đường không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì.

Còn đại diện Heineken Việt Nam nhìn nhận việc Bộ Tài chính đưa thức uống đại mạch, không cồn vào diện chịu thuế là không hợp lý. Theo vị này, các yếu tố giống nhau về nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Nó cũng không phù hợp với mục đích của sắc thuế này là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe", đại diện Heineken nói.

Với những băn khoăn trên, các doanh nghiệp đề nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này và không đánh thuế với đồ uống có đường, đồ uống đại mạch và nước giải khát không cồn. Việc này để cơ quan quản lý có thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện hơn và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, tránh tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Dẫu vậy, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia từ Học viện Tài chính lại có góc nhìn khác khi nói nên đánh thuế này để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Mức thuế áp có thể là 10%, như Campuchia đang áp dụng, cùng đó quy định dán nhãn dinh dưỡng, kiểm tra, giám sát và tăng truyền thông cho người dân.

Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị bổ sung không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường