Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể diễn ra trong bối cảnh nước ta vừa xảy ra 4 vụ tai nạn liên tiếp trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An làm 2 người chết, 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về phương tiện và tài sản. Sự cố tai nạn ảnh hưởng lớn uy tín của ngành đường sắt.
Trước đó, tại buổi họp Bộ GTVT ngày 28/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hạ tầng giao thông đường sắt yếu kém, công tác điều hành vận tải thời gian qua chưa hiệu quả nên đã xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với ngành. Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua và xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhìn nhận, nếu tai nạn giao thông còn tiếp tục xảy ra thì không biết ngành đường sắt sẽ đi về đâu, uy tín của ngành đường sắt thế nào? Chúng ta ăn lương Nhà nước thì phải có trách nhiệm với người dân, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân và tài sản của dân.
Trước đó, Cục trưởng Đường sắt Vũ Quang Khôi cho biết trung bình mỗi năm thanh tra 45 cuộc, tập trung về an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng tàu. Năm 2017, Thanh tra Cục đã xử phạt 1.040 hành vi, 5 tháng đầu năm nay xử phạt hơn 250 hành vi của các cá nhân. Vậy tại sao thanh tra, kiểm tra nhiều mà tai nạn vẫn xảy ra? Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng kỷ luật, kỷ cương đường sắt đang không được tuân thủ. Đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn, nếu không xử lý thì mấy ngày nữa lại xảy ra. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân sau các vụ việc vi phạm của Tổng công ty Đường sắt còn né tránh, kéo dài.
Nhìn nhận dưới góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảnh Bình) đánh giá cao việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm và xin lỗi về sự cố tai nạn đường sắt. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, xảy ra sự cố đáng tiếc trên, không thể chỉ có trách nhiệm của tư lệnh ngành. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do hệ thống đường sắt nước ta chưa hoàn thiện.
Điểm yếu cần khắc phục là các đường ngang dân sinh. Đây là nơi lẽ ra phải có cầu vượt, nhưng chưa xây dựng được hệ thống cầu vượt, thậm chí có nơi đường ngang còn chưa có rào chắn. Bên cạnh đó, cơ quan trực tiếp quản lý đường sắt thiếu nhắc nhở, kiểm soát và xử lý nghiêm. Người quản lý rào chắn cũng chưa phát huy trách nhiệm. Ý thức người dân tham gia giao thông chưa cao, xem thường những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân. Vì vậy, mới xảy ra tai nạn trong quá trình tham gia giao thông.
Cử tri và các đại biểu Quốc hội hy vọng với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ nỗ lực hơn nữa, có tinh thần tiếp thu, lắng nghe các ý kiến chất vấn của ĐBQH về những vấn đề nóng trong ngành giao thông như an toàn giao thông, các dự án BOT, sớm hành động và kiến nghị các giải pháp khắc phục điểm yếu của đường sắt, đường bộ trong bảo đảm an toàn giao thông.
Đặc biệt, phải sớm chấn chỉnh lại hệ thống quản lý, nhân viên phục vụ đường sắt, lái tàu, bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, cảnh báo cho người dân những nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông, tránh rủi ro xảy ra.