Núi Cấm (Hà Nam) nổi tiếng với Đền Trúc- Ngũ Động Sơn, một thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi đây còn được biết đến với một “kho báu” với những cây sưa bạc tỷ.

Thơ mộng và kỳ vỹ

Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương Nam đi qua thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam ngày nay), bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng.

 

“Kho báu” trên núi Cấm

Núi Cấm

 

Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn (hay còn gọi là Cấm Sơn). Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội đền thờ. Đó chính là Đền Trúc bây giờ. Đền Trúc nằm ven sông Đáy, dưới chân núi Cấm. Các cụ già trông coi đền Trúc kể lại: Xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc. Sau ngót ngàn năm, rừng trúc giờ không còn nguyên như xưa nữa, nhưng xung quanh đền, vẫn muôn ngàn bóng trúc. Những cây trúc thân vàng óng, thướt tha trong gió càng tôn cho phong cảnh nơi đây thêm thơ mộng. Lễ hội Đền Trúc được mở vào dịp đầu xuân hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng đến mùng 6 tháng Hai âm lịch. Nét nổi bật nhất của lễ hội là trò hát dặm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác... Đến bây giờ, những câu hát dặm đã được các nghệ nhân nơi đây mang đi giới thiệu tới 16 quốc gia trên thế giới.

 

Núi Cấm đứng độc lập, trông xa có hình dáng giống như một con sư tử nằm, thảm thực vật ở đây phong phú. Cách đây tròn 20 năm, một người đi dạo núi đã vô tình phát hiện ra một cửa động nằm khuất sau lớp cây leo dưới chân núi Cấm. Từ đây, một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp được khai lộ, được gọi là Ngũ Động Sơn. Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy. Lối ra nằm bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Điều gây ấn tượng là hình khối, vẻ đẹp, màu sắc và sự độc đáo của cơ man là những thạch nhũ. Có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc...Với trí tưởng tượng phong  phú, người dân địa phương đã đặt tên cho các tác phẩm thiên tạo bằng đá hết sức gần gũi, dân gian như con rùa, con voi, bầu sữa mẹ, rồi có cả chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ khi đánh lên nghe như thật. Động có thể chứa được hàng nghìn người. Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh, ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động; buổi trưa, nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn…

 

“Kho báu” trên núi Cấm

Biểu tượng con voi của đoàn quân Lý Thường Kiệt năm xưa

 

Không những thế, nếu leo lên được đỉnh núi Cấm sẽ được chiêm ngưỡng bàn cờ tiên bằng đá. Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, thần tiên thường về đây mở hội, uống rượu, chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Gần bàn cờ tiên là một vũng vuông lõm sâu, thường được gọi là huyệt Đế Vương…Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt xa, mới thấy hết vẻ đẹp của nơi này. Chính vì vậy đã có nhiều thi nhân như Nguyễn Thuyên, Ngô Thế Vĩnh, Hải Thượng Lão Ông Lê Hữu Trác… đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng cảnh đẹp... 

 

Năm 2004, đền Trúc-Ngũ Động Sơn được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.

 

Bảo vệ rừng sưa quý

 

Có một điều đặc biệt là ¼ diện tích núi Cấm được phủ bởi loài cây bạc tỷ: cây sưa. Từ hàng trăm năm nay, người dân thôn Quyển Sơn và xã Thi Sơn cũng chỉ biết đến một loài cây lạ mọc tự nhiên trên núi. Hàng năm, cứ đến mùa xuân, cả ngọn núi Cấm trắng muốt một màu hoa. Đám trẻ con địa phương thường nhặt quả cây để đốt nghịch chơi, khiến nó phát ra cái mùi rất khó chịu. Không ai biết rằng đó là cây sưa đỏ, một loài cây cho gỗ có giá vài tỷ đồng một m3 lõi. 

 

 Cho đến năm 2006, sau khi tham quan núi Cấm, một du khách đã thông báo với ban quản lý di tích về loại cây quý giá này. Bán tin bán nghi, chính quyền xã chờ đến mùa cây ra quả, mang đi nhờ các nhà khoa học xác minh thì biết đích xác là cây sưa quý. Đám sưa tặc cũng nhanh chóng đánh hơi thấy kho báu trên núi Cấm và chỉ sau đó ít lâu, một số cây sưa ở chân núi bị đốn hạ. Cũng thời gian đó, cây sưa cổ thụ ở chùa Bà Đanh cách đó không xa bị chặt trộm. Nghe nói sưa tặc từ Hà Nội về thuê dân địa phương đào cả gốc rễ mang đi. 

 

“Kho báu” trên núi Cấm

Một cây sưa cổ thụ trên núi Cấm

 

Cơn sốt trộm sưa đã khiến lãnh đạo xã mất ăn mất ngủ. Nhiều cuộc họp bàn diễn ra và một nghị quyết về bảo vệ rừng sưa được ban hành. Cùng với đó, xã cắt cử một lực lượng gồm cựu chiến binh, Công an xã thay nhau canh gác ngày đêm, mỗi ca có tới 5 người. Núi Cấm bị cấm theo đúng nghĩa. Ngọn núi này được đặt vào diện rừng phòng hộ cho dù nó nằm đơn độc giữa một vùng bằng phẳng. Mọi hoạt động khai thác từ cành cây, ngọn cỏ đều bị cấm tiệt.

 

Lâu nay, người dân địa phương vẫn truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về núi Cấm như ai bẻ cây trên núi thì sẽ gặp nạn, trâu bò ăn cỏ trên núi về lăn đùng ra chết. Mới đây có chuyện một người lên núi đốn củi, về bị tai nạn giao thông, người khác lên núi lấy đá làm cảnh bị tâm thần…Thế nhưng những câu chuyện này dường như chẳng có tác dụng với bọn sưa tặc, bởi món lợi tiền tỷ làm chúng mờ mắt. Dù được canh gác nghiêm ngặt nhưng cây sưa vẫn bị đốn trộm. Có lần, bảo vệ thấy động chạy ra thì sưa tặc bỏ chạy, để lại cả khúc gỗ sưa ngay trước cổng vào đền Trúc. Được biết, sau vụ lâm tặc đốn hạ mấy chục cây sưa, Công an huyện đã chỉ đạo Công an xã phối hợp với các cựu chiến binh quản lý chặt chẽ rừng sưa.

 

Ông Nguyễn Trí Viễn, một cựu chiến binh, thành viên tổ bảo vệ cho biết, bọn sưa tặc buộc cành cây sưa vào cây khác rồi cưa gốc, nên khi cây đổ không gây ra tiếng động. Lực lượng bảo vệ thì mỏng nên không kiểm soát hết được. Thi thoảng lại có một gốc sưa biến mất, cứ như thể nó bị bốc hơi. Trên núi, một số cây sưa bị kẻ trộm dùng dao đánh dấu hoặc cạo vỏ cho cây chết để dễ chặt. Những cây gỗ sưa lớn, nằm ở vị trí thuận lợi, nhất là ở vạt núi ven sông Đáy, đều đã bị sưa tặc cưa sạch. Ở vị trí này, sưa tặc chỉ việc chèo thuyền áp sát chân núi rồi cưa trộm. Dù các cựu chiến binh nghe thấy tiếng động, chạy lên đến nơi, thì chúng đã biến mất cùng với một vài thân cây rồi. Hiện chỉ còn lại những cây ở trên đỉnh núi, sườn Tây, những chỗ hiểm trở, lâm tặc chưa có điều kiện đốn hạ mà thôi. 

 

Tận mắt nhìn khu rừng sưa quý hiếm, mới thấy số phận những gốc sưa thật mong manh. Đúng là núi Cấm địa hình hiểm trở nên rừng sưa mới chưa bị tận diệt, nhưng chẳng có ai dám đảm bảo bọn lâm tặc sẽ bỏ cuộc vì ngán đá tai bèo và vách đá đốc đứng nơi đây. Ở tận những vùng xa xôi hiểm trở hơn nhiều mà lâm tặc còn xẻ gỗ mang về được, trong khi núi Cấm ở ngay giữa một vùng bằng phẳng, gần đường, cận sông thì chuyện lâm tặc sờ đến những gốc sưa bạc tỷ chỉ là vần đề cơ hội và thời gian mà thôi.  

 

Bởi vậy, để bảo vệ “kho báu” trên núi Cấm và vẻ nguyên sơ của danh thắng này, ngoài yếu tố tâm linh thì còn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền và nhân dân địa phương.

 

Bảo Nam  

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kho báu” trên núi Cấm