Chưa bao giờ cách ứng xử của giáo viên với học sinh lại gây xôn xao và bức xúc trong dư luận như những ngày qua.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng những hình phạt gây bất bình trong xã hội, thể hiện thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây ra vết thương khó nguôi ngoai trong lòng học sinh, phụ huynh và xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, nhân cách của người người thầy nói riêng và toàn ngành sư phạm nói chung.
Trong khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ cả một tiết học ở trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hồi tháng trước. Ồn ào hơn, là ngay sau khi sự việc xảy ra, thì phụ huynh của học sinh bị cô giáo phạt quỳ cũng bắt cô giáo quỳ để “trả thù”. Vụ việc khiến cả xã hội xôn xao, gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Dù việc xảy ra có cả lỗi của học sinh, phụ huynh và giáo viên nhưng không thể không đặt ra câu hỏi cho cách ứng xử của người thầy và đạo đức của người làm nghề giáo. Nặng nề hơn là Hiệu trưởng của trường này cũng vừa bị cách chức do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành và xử lý vụ việc chưa đến nơi đến chốn.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, cả xã hội lại bị sốc khi báo chí đồng loạt đưa tin về việc một giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng. Không chỉ phụ huynh của học sinh là nạn nhân trong hình phạt độc ác và vô cảm này tức giận mà cả những người trong nghề, ngoài nghề lẫn toàn ngành sự phạm đều lên tiếng khẳng định đó là hành động không thể dung tha được.
Bản kiểm điểm của cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng
Cô Lê Thị Loan (Đông Anh, Hà Nội) bức xúc: “Đây là hành động vô nhân tính, đặc biệt đây lại là hành động của một cô giáo, người có nghĩa vụ không chỉ giảng dạy về kiến thức mà còn phải truyền đạt những bài học về đạo đức cho thế hệ tương lai. Theo tôi, ngành sư phạm cần phải có những hành động quyết liệt để những vụ việc tương tự không xảy ra trong tương lai”.
Cũng chung cảm giác buồn và sốc, thầy Trần Ngọc Long, giáo viên một trường cấp 2 ở Bắc Ninh cho rằng, đang có những vấn đề xảy ra với cách ứng xử của một số thầy giáo, cô giáo với học sinh. Điều này đòi hỏi ngành sư phạm, các nhà quản lý giáo dục cần phải tăng cường quản lý giáo viên, phải chăng cần có thêm bộ quy tắc ứng xử cho giáo viên và học sinh.
Các văn bản quy định, tư tưởng chỉ đạo và pháp luật chỉ dẫn đối với ngành sư phạm chỉ là cái tối thiểu còn đạo đức mới là cái chuẩn tối thượng. Thời gian qua, không phải không có những mặt tiến bộ tích cực của ngành sư phạm và đã có nhiều hành động đẹp, nhiều tấm gương thầy, cô giáo thực hiện nhiều việc tốt trong sự nghiệp trồng người được cả xã hội ca ngợi như các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (THCS) Trung Thượng, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Nhiều năm qua, các thầy cô luôn thức khuya, dậy sớm tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho các em học sinh bán trú của nhà trường. Hay như cô giáo Trần Thị Thúy-trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên– người đã giúp học sinh của mình được tham gia vào những lớp học xuyên biên giới chỉ với một chiếc máy tính có internet và công cụ kết nối ứng dụng skype. Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của cô giáo trường huyện, hầu hết học sinh đã từng tham gia những lớp học của cô đều có thể tự tin giao tiếp với những người bạn quốc tế...
Nhưng hiện tại, những cách ứng xử phản cảm, thiếu nhân cách của một số thầy giáo, cô giáo đang làm cho hình ảnh cao quý của người thầy trở nên méo mó, gây ra những hậu quả khó lường cho thế hệ tương lai. Điều đó càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận giáo viên, đòi hỏi không chỉ ngành sư phạm, các nhà quản lý giáo dục mà cả xã hội phải chung tay để khôi phục lại hình ảnh, đạo đức và vị thế của người thầy.