Tâm điểm dư luận

Khát vọng cất cánh

Trung Nguyễn 11/10/2023 - 09:27

Sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đã và đang phải vượt những "cơn gió ngược" do tác động của diễn biến tình hình thế giới là kết quả của sự linh hoạt, uyển chuyển, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành...

Sau thành công rất tốt đẹp, được đánh giá là "ngoài mong đợi" của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021, đất nước ta bước vào triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19, trong đó đợt bùng phát lần thứ 4 ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

Khi dịch bệnh tạm lắng xuống từ cuối năm 2021, nước ta lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực.

Đó là, tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch COVID-19 dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đến nay chưa đến hồi kết thúc, lạm phát thế giới neo ở mức cao, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ;...

Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi tình hình thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược", song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư..., Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt và hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức, thậm chí biến "nguy" thành "cơ"... để đưa nền kinh tế ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%). Không phải ngẫu nhiên, nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định: "Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới".

Sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đã và đang phải vượt những "cơn gió ngược" do tác động của diễn biến tình hình thế giới là kết quả của sự linh hoạt, uyển chuyển, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như sự lăn xả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các vướng mắc, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...

Tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" vừa qua, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore bày tỏ, việc quan sát Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch COVID-19 hay không là một vấn đề rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như chính khách quốc tế quan tâm. Và kết quả quan sát thấy rõ là "Việt Nam mạnh lên sau đại dịch". Đại hội Đảng năm 2021 là một thành công hết sức rực rỡ, mở ra khả năng Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Ông Khương khẳng định: Trong vòng 2 năm vừa rồi, niềm tin này tăng lên rất mạnh mẽ và cho biết các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai.

Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu với rất nhiều khó khăn nhưng đã rất vững vàng trong điều hành tỉ giá, lãi suất.

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, hiện giờ vấn đề khó rất lớn đối với câu chuyện tăng trưởng kinh tế không chỉ là nhu cầu của thế giới suy giảm mà rõ ràng là mô hình tăng trưởng mở rộng theo kiểu cũ đã hết. Bây giờ phải thay đổi, để nâng cấp để nền kinh tế cất cánh.

Ông chia sẻ, "chúng ta đã sống qua đổi mới lần thứ nhất những năm 1980, thì thấy đổi mới lần thứ hai cảm giác cũng y như thế, khó khăn vô cùng, nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra".

Đánh giá về kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam 9 tháng qua, PGS.TS Vũ Minh Khương ví von: "Trong bối cảnh con tàu gặp bão biển, nếu chúng ta chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm.

Một là thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình với chúng ta hay không. Thứ hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không. Thứ ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình”.

“Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế. Cho nên rõ ràng chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới", PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng cất cánh