Bắt đầu bằng một khu chuồng nuôi nhốt 2 cá thể Voọc mông trắng và Voọc Hà Tĩnh tịch thu được, trải qua nhiều chặng đường khó khăn, đầu năm 1994, Trung tâm cứu hộ Linh Trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương được xây dựng.
Là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hội Động vật học Frank Furt (Đức), EPRC là trung tâm cứu hộ linh trưởng đầu tiên khu vực Đông Dương và Việt Nam. Hiện, EPRC đang trở thành một trong những nơi cứu hộ và nuôi dưỡng động vật hoang dã lớn nhất khu vực Đông Nam Á…
Chúng tôi tới Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương vào một ngày cuối năm. Nằm dưới những tán lá rậm rạp của Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, EPRC được thành lập với mục đích chăm sóc, cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng, giúp chúng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt và nghiên cứu các đặc điểm sinh thái học để trả chúng trở về với môi trường sống tự nhiên. Khu nuôi nhốt của Trung tâm có diện tích khoảng 3,5 ha, được quản lý và chăm sóc bởi 3 chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài và 28 nhân viên chăm sóc và cán bộ kỹ thuật.
Đón chúng tôi là bà Elke Schwierz – chuyên gia phụ trách chăn nuôi thú. Bằng giọng tiếng Việt lơ lớ, bà Elke giới thiệu với chúng tôi rất nhiều điều thú vị về nơi này.
EPRC được sáng lập bởi ông Tilo Nadler, một chuyên gia người Đức làm việc cho Tổ chức Hội Động vật học Frankfurt (Frankfurt Zoological Society - FZS) từ đầu những năm 90. Thời gian đầu, Trung tâm (TT) chỉ có 2 cá thể Voọc mông trắng và Voọc Hà Tĩnh. Đây là 2 cá thể kiểm lâm tịch thu từ những người săn bắt trái phép. Giờ đây, TT đã trở thành nơi tiếp nhận các loài linh trưởng bị buôn bán trái phép hoặc bị thương trên toàn quốc. Cho tới nay, TT đã có khoảng 180 cá thể bao gồm Voọc, Vượn và Culi. Trong đó, có khoảng hơn 100 con Voọc. Chúng sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 6 loài duy nhất được chăm giữ mà không nơi nào trên thế giới cứu hộ và nuôi nhốt các loài này, đó là: Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà Vá chân xám.
Làm việc tại TT đã được 8 năm, với sự tận tình, lòng say mê công việc bà Elke được đánh giá là rất giỏi trong việc cứu hộ và chăm sóc thú. Bà cho biết, hiện nay cả thế giới có khoảng 300 dòng linh trưởng, 25 dòng đang có nguy cơ tuyệt chủng, tại Việt Nam đã phát hiện 9 dòng trong số đó. Đặc thù khí hậu ở khu vực rừng núi Việt Nam rất tốt cho các loài linh trưởng phát triển, điều này khó có thể thực hiện được ở những Công viên Quốc gia nước ngoài. Trong TT có khoảng 50 chuồng trại nuôi nhốt. Ngoài ra, TT có khu nuôi thả bán tự nhiên gồm 7 ha diện tích đồi rừng nhằm giúp các cá thể linh trưởng thích nghi với môi trường sống tự nhiên trước khi được thả về nơi phân bố của chúng
Với đặc thù loài, Voọc chỉ ăn lá cây. Hàng ngày, các nhân viên chăm sóc tại đây phải cắt tới 300-400 kg lá cây của khoảng 100 loài cây. Nguồn thức ăn này được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái, như lá dâm bụt, lá phượng, lá mơ, lá keo…tùy theo mùa. Số lá này được bó lại thành từng bó nhỏ, treo lên hàng rào của mỗi chuồng nuôi. “Mỗi ngày, nhân viên ở đây phải thay đổi khẩu vị cho Voọc, thường là 8 loại lá mỗi ngày và sẽ chia thành 3 bó, treo ở 3 góc chuồng cho Voọc ăn”, bà Elke cho biết.
Bà Elke Schwierz và “bé” Voọc Chà Vá chân xám trong phòng chăm sóc đặc biệt
Bên cạnh đó, bà chia sẻ, đối với những con Voọc còn quá nhỏ, dưới 3 tháng tuổi, các nhân viên chăm sóc phải cho chúng uống sữa vì hệ tiêu hóa của chúng còn non nớt, chưa thể ăn lá cây được. Không khác gì những em nhỏ, mỗi ngày, những “bé Voọc” này phải uống sữa 12 lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng.
Trong TT còn có cả một khu dành cho các “bé Voọc” mà các anh chị em ở đây thường gọi là “trường Mầm non”. Khu “trường Mầm non” có 6 “bé Voọc” “theo học”, bao gồm cả Chà Vá chân xám và Chà Vá chân đỏ. Các bé được đặt tên là: Việt, Luna, Frida, Xám, Micheal và Hà Tĩnh. Nhìn cách bà Elke và các nhân viên bế ẵm và cho các “bé” ăn, mới thấy hết được tình cảm mà nhân viên ở đây dành cho những chú Voọc này. Bà Elke vui vẻ khoe rằng, bà nuôi chúng từ bé, có bé khi đưa về mới được 3 ngày tuổi, bà thường xưng “mẹ” với các “bé” và coi những chú Voọc con này như những đứa con của mình.
Ngoài 6 “bé Voọc” được nuôi trong “trường Mầm non”, Elke còn dẫn chúng tôi tới thăm một “bé” khác được chăm sóc tại phòng đặc biệt. “Bé” còn rất yếu và tỏ ra sợ sệt khi nhìn thấy người.
Voọc quần đùi trắng hay Voọc mông trắng - biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương, là linh trưởng đặc hữu quý hiếm, có tên trong “Sách Đỏ” của Việt Nam và thế giới. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu
Sau giai đoạn uống sữa, các “bé” sẽ được chuyển sang chế độ “ăn dặm” để làm quen với thiên nhiên. Thức ăn lúc này của các “bé” bao gồm táo, khoai lang và kèm thêm chút lá cây. Đồng thời, các nhân viên chăm sóc còn phải tập thể dục cho các “bé” để các “bé” dễ thích nghi với môi trường.
Theo chia sẻ của bà Elke, ngoài chế độ dinh dưỡng được tính toán tỉ mỉ, việc vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho những chú Voọc trong TT cũng được đặt ra khá chặt chẽ.
“Voọc rất hay bị ốm và khó nuôi. Thêm nữa, chúng hay bị stress nên phải luôn tạo cảm giác thoải mái cho chúng”, Elke nói. Đặc biệt, việc chăm sóc những con Voọc bé vô cùng vất vả. Đồ ăn thức uống của chúng phải thật sạch sẽ và phải tắm cho chúng thường xuyên. Trước khi cho Voọc ăn, các nhân viên chăm sóc phải rửa tay sạch sẽ vì sức đề kháng của các “bé” kém nên rất hay bị ốm.
Trong bộ quần áo giản dị, bà Sonya Prosser và bà Elke Schwierz cùng những nhân viên chăm sóc thú luôn tất bật với công việc
Nếu Voọc mắc những bệnh thông thường như đau bụng, đi ngoài thì các nhân viên ở đây sẽ tự chăm sóc và cho chúng uống thuốc. Nhưng, nếu bị nặng hơn như có lần, Voọc bị gãy tay, TT phải đưa ra bệnh viện Nho Quan để chụp X-quang và bó bột. Có vài trường hợp vô cùng đáng tiếc, Voọc được cứu hộ và bị thương quá nặng nên không thể cứu chữa được, bà Elke chia sẻ.
Về công tác bảo tồn, bà Sonya Prosser – Quản lý Trung tâm EPRC cho biết, khi những con Voọc đã trưởng thành, TT sẽ cho ghép con đực và con cái để nhân giống hoặc thả chúng về với thiên nhiên. TT đã từng thả nhiều cá thể Voọc mông trắng tại Vân Long, Hà Tĩnh, Kẻ Gỗ, Phong Nha Kẻ Bàng và Voọc Chà Vá chân xám tại Kontum.
Bên cạnh đó, bà cho biết, Chà Vá chân xám là loài động vật vô cùng quý hiếm và rất phù hợp sống ở khu vực Gia Lai – Kontum. Vì thế, việc tìm kiếm và lựa chọn được nơi có môi trường sống phù hợp và được bảo vệ tốt cũng là một vấn đề được những chuyên gia hoạt động trong dự án cực kỳ quan tâm.
Tuy nhiên, quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc vất vả là thế, nhưng do nhận thức của người dân về việc bảo vệ, bảo tồn vẫn còn hạn chế, cộng với việc bảo vệ rừng và môi trường sống còn nhiều bất cập, nên khi được thả về rừng, những chú Voọc này có nhiều nguy cơ bị những kẻ săn bắn trái phép, đôi khi là cả người dân trong vùng bắt trở lại, bà Sonya cho biết.
Chính vì thế, bên cạnh việc chăm sóc, bảo tồn, xây dựng thêm chuồng trại sạch đẹp hơn, cố gắng để ngày càng nhiều cá thể Voọc được cứu hộ và thả về rừng. Bà Sonya mong muốn, Chính phủ Việt Nam cần phối hợp để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo tồn loài Voọc sâu hơn, rộng hơn nữa, thông qua các phương tiện truyền thông. Bà đặc biệt quan tâm tới việc có thể đưa đề tài này vào các buổi nói chuyện với các em học sinh tại các trường học để nâng cao nhận thức cho các em về việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật, nhất là với các em nhỏ sống ở khu vực miền núi.
Hơn thế nữa, bà cũng mong muốn, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những luật lệ chặt chẽ hơn và có những chế tài xử phạt thích đáng để bảo vệ loài Voọc. Những khu vực rừng có Voọc sinh sống, cần nâng cao công tác bảo vệ, bảo tồn. Có như thế, những chú Voọc sau khi thả về rừng mới được sống an toàn.