Ta muốn lượng khách nước ngoài tăng nhưng lại chỉ cấp miễn phí thị thực cho 7 nước, thủ tục hành chính xin visa còn quá rườm rà. Ngành du lịch nước ta đang bị quản lý theo kiểu thắt cổ chai”, ông Phan Xuân Anh Giám đốc Công ty DLDN Việt khẳng định.
Khách quốc tế giảm mức báo động
Ngành du lịch nước ta có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút khách nước ngoài, tuy nhiên trong nhiều tháng trở lại đây lượng khách này lại sụt giảm liên tiếp khiến cho các cơ quan quản lý và nhiều DN lữ hành lo lắng, bất an.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì số lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua luôn trượt dốc. Cụ thể, năm 2010 là 2,1 triệu, tới 2014 là 7,8 triệu khách trong khi đó các nước ASEAN như Lào, Campuchia lại có tốc độ tăng trưởng chóng mặt: nếu như năm 2010, Lào mới chỉ có hơn 737.000 khách quốc tế ghé thăm, Campuchia có hơn 466.000 khách thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên lần lượt là hơn 4,1 triệu và 4,5 triệu khách. Mức tăng trưởng được đánh giá “gây bàng hoàng” do hai quốc gia này có xuất phát điểm thấp hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng với tốc độ này chẳng mấy chốc sẽ “vượt mặt” Việt Nam.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng sụt giảm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch cũng cho thấy khách quốc tế vào nước ta 11 tháng qua (từ 6/2014 đến 4/2015) giảm liên tiếp so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng từ tháng 1- 4/2015, lượng khách quốc tế đã giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Phân tích nguyên nhân sụt giảm khách quốc tế đến Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, do cả hai nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về khách quan là do sự bất ổn của khu vực biển Đông và một số vùng trên thế giới như Nga, Ukraina; kinh tế thế giới có biến động (giá USD lên cao, euro và đồng yên giảm sâu, giá dầu giảm mạnh) làm giảm như cầu đi du lịch của khách; một số chính sách mới của Việt Nam đã làm khó cho việc thu hút khách du lịch (chính sách visa mới: khách tàu biển ghé vào Việt Nam cũng phải làm visa…).
Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho từ phía chủ quan, khi công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan cùng tham gia, nguồn lực xúc tiến thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn làm thay đổi thị trường và thu hút khách vào Việt Nam.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có quá nhiều hoạt động văn hóa xã hội nhân danh phát triển du lịch làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng mờ nhạt cả trong và ngoài nước. Ngoài ra nhiều người còn nhầm tưởng nhân dân di lễ hội, đền chùa là khách du lịch nên họ nhận định sai hoàn toàn về khách du lịch.
Ông Bình nhận định: “Nếu để lượng khách quốc tế giảm quá sâu, chúng ta sẽ rất khó để để vực dậy so với đà tăng trưởng của các nước láng giềng”.
Miễn visa - đòn bẩy kéo khách du lịch
Nhằm khắc phục cấp bách tình trạng trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều bài toán trước mắt để cứu cánh cho tình trạng sụt giảm khách du lịch. Tuy nhiên một trong những giải pháp nóng được đưa ra bàn luận sôi nổi nhất trong hội nghị vẫn là câu chuyện về cấp thị thực.
Theo ông Vũ Thế Bình thì, nhiều quốc gia khi tạo điều kiện cho du lịch phát triển họ đã thực hiện miễn thị thực nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua mạng, thị thực tại cửa khẩu như: Singapore đã miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu; Thái Lan và Campuchia đã hợp tác thực hiện chính sách thị thực chung; Trung Quốc đã miễn thị thực trong vòng 72 giờ cho công dân 51 nước quá cảnh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Châu, Trùng Khánh, Đại Liên và Thẩm Dương…
Trong khi đó thủ tục thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 7 nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và 10 nước ASEAN.
Bên cạnh đó, về hàng không, số lượng đường bay thẳng đến các thị trường du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh, công ty Hanoi Redtour cho biết đây là một vấn đề không chỉ Hanoi Redtour mà tất cả các doanh nghiệp khác đều vô cùng quan tâm.
Các chủ hãng, đối tác thường phản ánh ngoài việc làm lệ phí visa hiện nay ở Việt Nam so với các nước trong khu vực khá cao. Chúng ta mất khoảng 45$ cho lệ phí visa/lần và thủ tục vô cùng phúc tạp.
Câu chuyện về cấp thị thực cho khách nước ngoài luôn là chủ đề nóng của ngành du lịch Việt. Ảnh minh họa
Phúc tạp ở đây là từ khâu trong nước, khi xin visa cho một khách chúng tôi thường phải làm quá nhiều công đoạn, giấy tờ… đến khi nhận được thư chấp nhận làm visa thì khách phải cầm giấy tờ đến đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để làm tiếp. Lúc này thủ tục tiếp tục lại bị phiền nhiễu (từ việc khách không trực tiếp nộp mà phải qua môi giới, có những lệ phí khác ngoài lệ phí 45$...).
Đối với những visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam thì tôi cho rằng không rõ ràng. Ngay cả nhân viên của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đôi khi còn tư vấn sai cho các doanh nghiệp về hộ chiếu nào được miễn visa và những nước nào miễn visa. Đó cũng là một bất cập.
“Chúng ta muốn lượng khách nước ngoài tăng nhưng lại chỉ cấp miễn phí thị thực cho 7 nước, thủ tục hành chính xin visa của nước ta cũng còn quá rườm rà, khó tiếp cận. Ngành du lịch nước ta chẳng khác gì đang bị thắt cổ chai”, Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty du lịch Du ngoạn Việt khẳng định.
Đại diện của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, ông Vũ Duy Vũ cho rằng, Thời gian qua, thủ tục visa mất nhiều thời gian, gây ảnh huởng rất lớn đến du lịch tàu biển. Nếu trước đây khách du lịch bằng tàu biển được xem là khách quá cảnh (chỉ dừng chân ở Việt Nam 1 ngày) thì nay đều phải khai báo nhập cảnh, với quá nhiều thủ tục vô hình trung tạo ra tâm lý e ngại đối với du khách. Do đó, mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện đơn giản hơn, từ đó sẽ có nhiều thời gian giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch bằng tàu biển.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế khi tới Việt Nam, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan cấp thị thực cần triển khai phương thức lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng, đồng thời sớm triển khai cấp visa điện tử (E-Visa) cho khách quốc tế. Đối với các địa phương, cần chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lộn xộn tại các điểm du lịch. Triển khai mạnh mẽ chiến dịch làm sạch môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, xây dựng văn minh trong giao tiếp cho doanh nghiệp và nhân dân tại các khu du lịch.