Một khách hàng ở Thanh Hóa bức xúc vì sau khi bị bệnh tăng huyết áp, nhồi máu não, Bảo hiểm Prudential viện dẫn nhiều lý do không có căn cứ để từ chối thanh toán bảo hiểm, tự ý hủy hợp đồng khiến khách hàng lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Theo đơn gửi đến Báo Công lý, ông Lê Đắc Chung (SN 1959, trú tại thôn 4 cũ – nay là làng Vĩnh Gia 3, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) phản ánh, tháng 4/2018, thông qua bà Nguyễn Thị Phúc - nhân viên công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt là Bảo hiểm Prudential), ông có tham gia mua bảo hiểm hợp đồng số 74133491 cho vợ là bà Nguyễn Thị Quý (SN 1963) với mức phí là trên 13 triệu đồng/năm, kéo dài trong vòng 10 năm.
Đến ngày 22/12/2018, bà Quý có biểu hiện đau đầu, chóng mặt sau đó rơi vào tình trạng hôn mê và bị liệt nên phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau gần 1 tháng điều trị, bà Quý được ra viện vào ngày 11/1/2019 với bệnh án tăng huyết áp, nhồi máu não.
Ông Chung cùng vợ bức xúc vì Bảo hiểm Prudential gây khó dễ, không giải quyết quyền lợi cho người bảo hiểm
Sau đó, ông Chung đã nộp hồ sơ bệnh án của bà Quý cho Bảo hiểm Prudential để được thanh toán bảo hiểm. Chiếu theo điều khoản hợp đồng thì bà Nguyễn Thị Quý sẽ được hỗ trợ quyền lợi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe/bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, Bảo hiểm Prudential đã từ chối một cách vô lý.
Theo văn bản thông báo của Bảo hiểm Prudential viện dẫn: “Người bảo hiểm Nguyễn Thị Quý có bệnh tăng huyết áp cách đây 3 năm, thường xuất hiện đau đầu, chóng mặt, mỗi khi đau đầu do huyết áp cao, Người bảo hiểm hay ra trạm y tế để kiểm tra sau đó mua thuốc về nhà tự uống. Tuy nhiên, những thông tin về bệnh sử trên của người được bảo hiểm Nguyễn Thị Quý đã không được bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ trong Hồ sơ Yêu cầu Bảo hiểm ngày 19/04/2018. Nếu các thông tin quan trọng trên được bên mua bảo hiểm cung cấp khi lập hồ sơ, Prudential đã không chấp thuận bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Quý ngay từ khi có yêu cầu tham gia bảo hiểm”.
Ông Chung bức xúc nói: “Chúng tôi là người nông dân nghèo, quanh năm lam lũ với mấy sào ruộng mới tích góp được một khoản tiền. Sau khi bà Nguyễn Thị Phúc - nhân viên Bảo hiểm Prudential về quê tư vấn, tôi mới mua bảo hiểm cho vợ để phòng những lúc ốm đau, bệnh tật khi về già. Đến nay vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo, phải mất khoản tiền lớn để điều trị, nào ngờ Công ty lại lừa chúng tôi, không hỗ trợ lại còn tự đình chỉ hợp đồng và cũng không trả lại số tiền hơn 13 triệu đồng”.
Thông báo của Bảo hiểm Prudential cho biết không giải quyết quyền lợi bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe/Bệnh hiểm nghèo đối với bà Nguyễn Thị Quý
Sau khi nhận được thông báo của Bảo hiểm Prudential, gia đình ông Chung đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng không được giải quyết. Ông Chung cho rằng, việc Công ty cử nhân viên xác minh bệnh tật của bà Quý tại Trạm y tế xã Hoằng Phượng và lập văn bản là không minh bạch và rõ ràng.
Ông Chung khẳng định: “Vợ tôi từ trước đến nay hoàn toàn khỏe mạnh, chưa điều trị bất kỳ bệnh nào tại trạm y tế và bệnh viện. Vợ tôi có khỏe mạnh thì mới đi bế cháu cho các con ở ngoài Hà Nội. Nếu vợ tôi điều trị bệnh tăng huyết áp và mua thuốc tại Trạm y tế xã thì thực là vô lý. Công ty không có số liệu hồ sơ gốc kiểm tra mà làm việc bằng lời nói và lập văn bản dựa trên lời nói của các bác sỹ, nhân viên tại trạm y tế. Bệnh tật của một người mà chỉ dựa vào lời nói và trí nhớ không rõ ràng của nhân viên y tế thì không thể nào chấp nhận được”.
Ngoài ra, ông Chung cũng cho biết thêm, khi ký hợp đồng bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Phúc- nhân viên tư vấn đã tự đánh dấu vào các điều khoản và ông chỉ biết ký tên. Khi đó bà Quý không ở nhà, nhân viên này bảo rằng cứ ký thay sau này sẽ bổ sung hồ sơ sau.
Xác minh tại Trạm y tế xã Hoằng Phượng, bác sĩ Hoàng Thị Xuân – Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoằng Phượng cho biết, vào khoảng tháng 3, nhân viên của Bảo hiểm Prudential về xác minh bệnh tật của bà Quý. Chị Tám – cán bộ dược nói rằng chỉ nhớ cách đây khoảng 3 – 4 năm, có duy nhất 1 lần bà Quý đến trạm y tế mua thuốc huyết áp nhưng không biết điều trị cho ai.
Ông Chung đã nộp số tiền hơn 13 triệu đồng vào ngày 19/4/2018 cho Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam
Bà Xuân khẳng định, bà Quý chưa một lần nào đến khám, đo huyết áp tại trạm y tế. Tại trạm y tế cũng không có sổ lưu điều trị bệnh nhân, không có trong danh mục quản lý.
“Tôi biết bà Quý bị liệt và phải điều trị tại Hà Nội nhiều tháng nay. Khi ông Chung – chồng bà Quý nói chỉ vì xác nhận của Trạm y tế mà bà Quý không được thanh toán bảo hiểm, tôi thật sự ngỡ ngàng. Nhân viên Bảo hiểm Prudential về làm việc nói không rõ ràng và lập văn bản dựa trên những lời nói của nhân viên dược rồi bảo tôi, nhân viên dược và một người điều trị nữa ký tên vào cho hợp pháp”, bà Xuân cho hay.
Như vậy, việc xử lý của Bảo hiểm Prudential hoàn toàn từ chối giải quyết quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Quý có thiếu trách nhiệm và “bỏ rơi” khách hàng? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.