Kết buồn từ cuộc chiến giành con

Trang Trần| 26/04/2019 23:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình yêu vơi cạn, họ quyết định ra tòa để “khai tử” cuộc hôn nhân. Những tưởng, kết thúc là hết nhưng không ngờ cuộc chiến giành con lại bắt đầu và cuộc chiến này đã khiến người chồng phải ân hận, các con thêm một lần tổn thương...

Ở cái tuổi 26, 27, cuộc hôn nhân của Thi Bách Phúc (SN 1984, quận Hải Châu) và Hoàng Nhã P. (SN 1983, ngụ quận Thanh Khê) có một xuất phát điểm đủ đẹp để những người theo đuổi nửa bên kia phải thầm ghen. Họ đã có những tháng ngày đong đầy trong hạnh phúc. Thêm hai đứa con, họ thêm nhiều lo lắng nhưng bù lại họ thêm những tiếng cười, thêm nhiều yêu thương. 

Vậy rồi, không hiểu bắt đầu từ lúc nào, P. ít đi những nụ cười rạng rỡ, P. cũng dần không còn những chia sẻ hàn huyên. Rồi thì nghĩa tình thưa thớt, nhạt dần và những bất đồng nảy sinh vì thế ngày càng nhiều lên. Và rồi, khi yêu thương phai nhạt, họ quyết định ra tòa ly hôn sau 7 năm bên nhau. Có lẽ, câu chuyện dừng lại ở sự chia ly đối với một gia đình vốn từng rất hạnh phúc như thế này cũng đã là quá đắng. Vậy nhưng, đoạn kết buồn lại nằm ở hệ lụy phía sau đó mà nguồn cơn cũng bởi hai chữ “yêu thương”.

Kết buồn từ cuộc chiến giành con

Phúc ân hận vì yêu thương không đúng cách

Công bằng mà nói thì cả hai chưa ai kịp để quen với sự tổn thương từ tổ ấm tan vỡ, có điều Phúc cảm thấy bất lực, xót xa như cả thế giới đang quay lưng lại với mình khi tòa tuyên vợ được quyền nuôi hai con chung (4 tuổi và 7 tuổi). Trong cơn tuyệt vọng, Phúc đã có suy nghĩ và hành động sai lầm, khiến Phúc phải trả giá.

Phúc bắt đầu tìm mọi cách uy hiếp vợ cũ để giành lại quyền nuôi con. Phúc khai rằng, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3-2018 đến ngày 15-5-2018 đã nhiều lần nhắn tin đe dọa đến tính mạng của gia đình chị P. và ông P.L (lãnh đạo công ty chị P. đang công tác). Theo lý giải của Phúc, vì ông L. xác nhận bảng lương, giúp chị P. kê khống thu nhập để giành quyền nuôi cả 2 con. Vì vậy, Phúc nảy ra ý định nhắn tin đe dọa với mục đích khiến ông L. bị áp lực, lo sợ sẽ cho chị P. nghỉ việc, từ đó không có thu nhập để nuôi con.

Trong suy nghĩ của Phúc, một khi chị P. thất nghiệp thì sẽ làm thủ tục yêu cầu tòa án trao quyền nuôi con cho mình. Trong cơn bí bách, nghĩ là làm, nên Phúc đã sử dụng điện thoại của mình gửi nhiều tin nhắn tin cho ông L., đe dọa sẽ đến công ty đập phá và thuê người nhiễm AIDS giai đoạn cuối đâm mù mắt 2 đứa con ông L. nếu như ông L. không nhanh chóng cho chị P. thôi việc.

Ngoài đe dọa ông L. Phúc không quên gửi nhiều tin nhắn khác, gọi điện cho chị P. nói rằng sẽ giết vợ cũ cùng người nhà của chị bằng những lời lẽ kinh sợ. Y khẳng định, sẽ từng ngày, từng ngày một mà nghĩ ra những trò dã man nhất để tra tấn chị P.  Thậm chí nếu chị P. mà bỏ trốn thì Phúc sẽ “xử” người nhà của chị, con đường lựa chọn duy nhất của P. là đưa con lại cho Phúc nuôi. 

Biện minh cho hành vi của mình, Phúc cho rằng bản thân chỉ có một mục đích duy nhất là giành lại con từ tay vợ cũ mà Phúc gọi đó là vì tình yêu thương dành cho các con. Ai cũng hiểu, cách giải thích này chẳng thể chấp nhận. Nếu như tình yêu thương dành cho các con của Phúc lớn đến vậy thì Phúc đã làm mọi thứ để gia đình ấy không tan vỡ. Và nếu Phúc trân quý gia đình nhỏ ấy thì đã không buông mà phải níu đến cùng. Đáng lý ra, một khi Phúc chấp nhận buông, Phúc phải nghĩ đến cảm nhận của con mình. Hay một lần Phúc tự mình đặt ra câu hỏi, con muốn sống với ai? Liệu những việc mình làm có quá tàn nhẫn khi thêm một lần xáo trộn lâm lý của con trẻ hay không?

Những người dự khán hôm ấy không nín được những tiếng thở dài. Họ tiếc cho cuộc hôn nhân ấy một thì họ lại tiếc cho cách suy nghĩ và hành động của Phúc mười phần. Nếu không đến tòa, không nhìn thấy Phúc mà chỉ nghe kể thì thật sự có ít ai tin được bởi đằng đằng là một kiến trúc sư có trình độ cao, công việc và thu nhập ổn định Phúc lại hành xử thiếu suy nghĩ như một tên côn đồ.

Lời của vị Chủ tọa nhẹ nhàng nhưng thực sự đã chạm đến trái tim của Phúc: Những đứa trẻ còn quá nhỏ để bắt chúng phải chịu nỗi đau chia ly từ người lớn. Hai đứa trẻ, một tình thương vậy sao lại đành tâm buộc chúng tách rời. Nếu thương con, bị cáo có thể cấp dưỡng hàng tháng để các con có điều kiện được ăn học tốt hơn, thường xuyên thăm con, quan tâm, chăm sóc cũng thể hiện được tình cảm dành cho con mình...

Hạnh phúc còn lại của một cuộc hôn nhân tan vỡ còn chăng chỉ gói gọn lại ở những đứa con. Ai cũng muốn tìm niềm vui, sự yêu thương bên con trẻ nên muốn được quyền trực tiếp nuôi con. Thế nhưng, tình yêu thương ấy đôi khi vô tình biến đứa trẻ trở thành nạn nhân và thêm lần in hằn thương tổn. Trong vụ án này, HĐXX TAND Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù về tội “Đe dọa giết người”. Mức án là bài học cho Phúc, bởi sự yêu thương sai cách cũng khiến người trong cuộc phải đánh đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết buồn từ cuộc chiến giành con