Các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Dushanbe, Tajikistan, ngày 17/9 đã nhất trí kết nạp Iran vào tổ chức này với tư cách là thành viên đầy đủ, Sputnik đưa tin.
Dẫn nguồn tin từ nhà báo Iran Abas Aslani, Sputnik cho biết, trong phần thủ tục kết nạp Iran vào tổ chức SCO diễn ra ngày 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ Tehran gia nhập SCO; đồng thời lưu ý rằng Moscow luôn mong muốn Iran tham gia đầy đủ vào các hoạt động của tổ chức này. Trước đó, Iran giữ vai trò quan sát viên trong SCO.
“Sự tham gia đầy đủ của Iran vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được các nhà lãnh đạo chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Dushanbe”, nhà báo Aslani cho biết trên Twitter.
Theo nhà báo người Iran Aslani, tân Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Hossein Amir Abdollahian cho biết việc Iran trở thành thành viên của SCO sẽ có "tác động đáng kể" đối với các mối quan hệ quốc tế, và đặc biệt là các mối liên hệ của Iran trong khu vực.
“Tư cách thành viên chiến lược này sẽ có tác động đáng kể đến tiến trình hợp tác toàn diện của Iran với các nước láng giềng và phù hợp với chính sách hướng tới châu Á”, nhà báo Aslani dẫn lời ông Abdollahian nói.
SCO là một tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 2001 bởi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Các nước quan sát viên của SCO là Afghanistan, Belarus và Mông Cổ; các nước đối tác là Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. Năm 2021, Tajikistan là nước Chủ tịch của tổ chức này.
Iran nộp đơn xin gia nhập tổ chức vào năm 2008, song có nhiều lý do dẫn đến việc tiếp nhận quốc gia này vào SCO cho đến nay vẫn không có sự chắc chắn. Lý do chính để việc xem xét đơn xin gia nhập tổ chức của Iran diễn ra lâu như vậy là do Tehran dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013) bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân, cũng như những lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt sau đó đối với Iran do chương trình này.