Chính trị

Hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân

Xuân Lan 13/03/2024 - 20:16

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần trên tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Đoàn Chủ tịch), diễn ra chiều 13/3.

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì.

ctqh-chieu11-1710330391654.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Báo Đại biểu nhân dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được, chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch trong thời gian tới, xác định các trọng tâm phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng 5 năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của mỗi bên được ghi trong Quy chế phối hợp. Hai bên phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân kịp thời, bài bản, chất lượng hơn, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội cao hơn, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát nhịp nhàng, chặt chẽ hơn. Những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm đều được giám sát ở các cấp độ khác nhau. Hầu hết các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia.

Công tác giám sát đã giúp cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, các bộ ngành quan tâm giải quyết rốt ráo nhiều việc, như công tác phòng, chống dịch COVID-19, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; điều chỉnh những bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp cận từ góc độ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cảm nhận sâu sắc hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới. Vai trò, vị thế của cơ quan dân cử được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả hơn; được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Quốc hội thật sự đồng hành cùng với Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; kịp thời tạo hành lang pháp lý giải quyết những việc khó, việc mới chưa có tiền lệ. 5 kỳ họp bất thường đã gỡ được nhiều "nút thắt", được doanh nghiệp, người dân và các địa phương ghi nhận, hoan nghênh.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp, tạo được cơ sở pháp lý, góp phần vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quốc hội thực sự coi trọng, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân.

5 kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, phát biểu kết luận hội nghị, nhìn lại bối cảnh đặc biệt của đất nước ta trong 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, từ khi có Quy chế năm 2018, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch đã có bước tiến mới, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hai cơ quan vừa đổi mới, cải tiến hoạt động của mình, vừa chú trọng đổi mới phương thức phối hợp công tác, bảo đảm kịp thời trao đổi, thảo luận, thống nhất khi có vấn đề phát sinh qua nhiều hình thức đa dạng. Hàng năm, hai cơ quan đều tổ chức Hội nghị liên tịch để đánh giá việc thực hiện Quy chế, thống nhất nội dung phối hợp công tác năm sau rất nền nếp, bài bản.

ctqh-chieu7-1710330441210.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 5 kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua.

Một là, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng, trách nhiệm, góp phần rất quan trọng tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Hai là, phối hợp hiệu quả trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng pháp luật và đã quyết định các vấn đề quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân tộc, tôn giáo, những vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội... Phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua, hưởng ứng các cuộc vận động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cuộc vận động lớn của MTTQ Việt Nam luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tích cực tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường lấy ý kiến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo luật, nghị quyết, đặc biệt là với các dự án Luật có tác động sâu rộng đến quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một điểm sáng trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan và cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung tại các văn bản liên quan để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn.

Bốn là, đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, nhất là các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm là, phối hợp trong công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao vai trò của Đoàn Chủ tịch trong phối hợp điều hành tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri; lựa chọn các hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp; tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Tổng số hơn 27.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước thông qua tiếp xúc cử tri trong 5 năm qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch phối hợp tổng hợp, trình tại các kỳ họp Quốc hội là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm bám sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân; đồng thời giúp các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình công tác, lựa chọn chuyên đề giám sát, nội dung chất vấn, giải trình phù hợp…

Công tác này cũng ghi nhận có nhiều nét đổi mới như: trong năm 2023 đã tổ chức được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, bám sát theo hơi thở cuộc sống. Tại Kỳ họp thứ Năm, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phối hợp với Đoàn Chủ tịch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tiếp tục phối hợp nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị quyết này cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các thành viên Đoàn Chủ tịch và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục cải tiến, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ

Cơ bản nhất trí với các trọng tâm phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV: một là, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng để các quyết sách của Quốc hội thực sự vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; hai là, phát huy cao độ dân chủ trong hoạt động của Quốc hội và trong xã hội để mọi quyết sách của Quốc hội đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự lợi ích của đất nước, của nhân dân, để Quốc hội thực sự là người đại diện xứng đáng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong bối cảnh Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 43 ngày 24.11.2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết cũng đã giao Ðảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Chủ tịch Quốc hội mong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc rà soát các văn bản này.

Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa". Bên cạnh 137 nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng pháp luật theo Kế hoạch số 81, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 19 nhiệm vụ, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV lên 156. Đến nay, có 115 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát. Trước mắt, tại Kỳ họp thứ Bảy tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 Luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác; tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 Luật, nghị quyết, cho ý kiến 3 dự án luật khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tăng cường phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thật tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, cố gắng để chất lượng các luật sau khi được Quốc hội ban hành đều nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước như 2 Luật rất khó vừa qua là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội cũng đang chỉ đạo triển khai Đề án Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật chủ trì giúp theo dõi, phối hợp về nội dung sửa đổi Nghị quyết 403 về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị 2 cơ quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi liên quan đến việc thực hiện vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; từ xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát của mỗi bên đến việc phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát của mỗi bên; đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Hai cơ quan tiếp tục phối hợp, tạo chuyển biến trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện; tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kiến nghị.

Hai cơ quan phối hợp khẩn trương, tích cực để sửa đổi Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; tiếp tục chỉ đạo thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao như: rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; nghiên cứu, rà soát Luật MTTQ Việt Nam…

Hai bên cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu phản hồi ý kiến, kiến nghị, giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Với kết quả đạt được trong 5 năm qua, với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân”, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, sự phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch sẽ tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao, góp phần “phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân