Ngày 7/4, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có phiên họp xem xét kiến nghị của VKSNDTC về Quyết định giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với Phạm Công Danh và đồng phạm và ra phán quyết về kiến nghị này.
Trình tự vụ án và kết quả xem xét kiến nghị
Phạm Công Danh và đồng phạm bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án đã được TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và ra Bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT ngày 25/12/2018.
VKSNDTC sau đó đã kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau khi có kháng nghị này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm và ra Quyết định số 17/2020/HS-GĐT ngày 8/10/2020.
Tiếp đến, ngày 11/3/2021, Viện trưởng VKSNDTC đã có Văn bản số 03 kiến nghị về Quyết định giám đốc thẩm số 17/2020/HS-GĐT ngày 8/10/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
VKSNDTC kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp xem xét lại một phần Quyết định giám đốc thẩm số 17 (có nội dung Tòa xác định Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân) không phải hoàn trả số tiền 1.633.714.696.000 đồng cho Ngân hàng VNCB (nay là Ngân hàng CB); và đề nghị Hội đồng Thẩm phán một phần quyết định giám đốc thẩm nêu trên và hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT ngày 25/12/2018 của TANDCC tại TP Hồ Chí Minh.
Ngày 7/4/2022, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã mở phiên họp toàn thể xem xét lại kiến nghị này của VKSNDTC và xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ việc nêu trên. Sau khi thảo luận và xem xét kỹ lưỡng, Hội đồng Thẩm phán đã biểu quyết và không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC về các nội dung nêu trên.
Bản án cấp phúc thẩm tuyên là có căn cứ
Vụ án này trước đó, ngày 18/10/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Phạm Công Danh và các đồng phạm bị VKS truy tố và các cấp tòa tại TP Hồ Chí Minh xét xử về các hành vi phạm tội sau:
Hành vi gửi tiền tại Sacombank để bảo lãnh và trả nợ thay cho 06 Công ty, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (sau đây viết tắt là VNCB – nay là Ngân hàng CB) 1.835.866.666.666đồng.
Hành vi dùng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 Công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740.000.116.167 đồng.
Hành vi dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB 2.550.972.500.888 đồng.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT ngày 25/12/2018, phần dân sự, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định:
Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015: Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân) không phải hoàn trả cho VNCB (nay là Ngân hàng CB) số tiền 1.633.714.696.000 đồng.
Thu hồi số tiền 4.500.000.000.000 đồng của Phạm Công Danh từ VNCB, nhưng khấu trừ số tiền vật chứng 2.371.040.426.287 đồng nên thu hồi 2.128.959.573.713 đồng để đảm bảo thi hành nghĩa vụ dân sự của Phạm Công Danh.
Tại Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 09/7/2019, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT ngày 25/12/2018 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.
Về nội dung Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân) không phải hoàn trả số tiền 1.633.714.696.000 đồng cho Ngân hàng thương mại TNHH Xây dựng Việt Nam là không có căn cứ, không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, mâu thuẫn trong nhận định và quyết định về biện pháp thu hồi tài sản.
Tại phiên xét xử giám đốc thẩm ngày 18/10/2020, Hội đồng Thẩm phán nhận thấy: Ngày 27/4/2013, Phạm Công Danh ký ủy nhiệm chi, chuyển số tiền 1.176.017.362.000 đồng từ tài khoản của Phạm Công Danh tại Sacombank (trong số tiền 1.800.000.000.000 đồng vay của Sacombank) đến Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 và 457.697.334.000 đồng đến Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hải Vân, tổng cộng là 1.633.714.696.000 đồng để trả cho các khoản nợ của Công ty TNHH Tập Đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV XD địa ốc Bảo Gia (là các công ty do Phạm Công Danh thành lập) vay tại 02 chi nhánh của Ngân hàng BIDV trước đó vào năm 2012, cụ thể: ngày 06/4/2012, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 ký hợp đồng tín dụng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh vay 1.700.000.000.000 đồng; thời hạn vay đến ngày 31/12/2012. Ngày 24/5/2012, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hải Vân ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Bảo Gia vay 1.000.000.000.000 đồng; thời hạn vay đến ngày 25/11/2012 (thực tế, Chi nhánh Hải Vân chỉ giải ngân cho Công ty Bảo Gia vay 900.000.000.000 đồng).
Tại các kết luận giám định bổ sung số 7405 ngày 10/10/2016, số 1637 ngày 16/3/2017 và số 2391 ngày 05/4/2017, Đoàn Giám định Ngân hàng Nhà nước khẳng định: việc Ngân hàng BIDV thu nợ là phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh, đúng quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Điều 56 Nghị định 163/NĐ-CP. Đến thời điểm giám định, các hợp đồng bảo lãnh/hợp đồng cầm cố của VNCB đối với 12 công ty vay vốn tại Ngân hàng BIDV đã được thanh lý, các nghĩa vụ bảo lãnh của VNCB đã được thực hiện. Phạm Công Danh dùng tiền của VNCB làm tài sản bảo đảm để vay 1.800.000.000.000 đồng của Sacombank. Khi Danh không có khả năng thanh toán thì Sacombank đã xử lý tài sản bảo đảm (là tiền của VNCB bảo lãnh cho hợp đồng vay) để cấn trừ nợ. Như vậy, VNCB bị thiệt hại, còn Sacombank không thiệt hại.Phạm Công Danh bị kết án về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên phải bồi thường cho VNCB. Số tiền 1.633.714.696.000 đồng Ngân hàng BIDV thu hồi nợ là tiền do Phạm Công Danh vay của Sacombank, không phải là tiền của VNCB, nên số tiền này không phải là vật chứng của vụ án như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Mặt khác, số tiền 1.633.714.696.000 đồng nêu trên là 02 khoản vay từ năm 2012, trước thời điểm Phạm Công Danh mua Ngân hàng Đại Tín, được tất toán thu hồi nợ giải chấp từ năm 2013; giao dịch cho vay này được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Số tiền trên đã được tổng hòa chung vào nguồn vốn hoạt động chung của Ngân hàng BIDV. Hơn nữahành vi Phạm Công Danh vay tiền của Sacombank để trả nợ cho Ngân hàng BIDV không bị điều tra, truy tố và xét xử trong vụ án này (là quan hệ pháp luật khác).
Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định, Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Sở giao dịch 2 và Chi nhánh Hải Vân) không phải hoàn trả lại cho VNCB (nay là Ngân hàng CB) số tiền 1.633.714.696.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Căn cứ vào khoản 4 Điều 382, khoản 1 Điều 388, Điều 389 và Điều 394 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng Thẩm phán TANDTC không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKSTC-V7 ngày 09/7/2019 của Viện trưởng VKSNDTC và giữ nguyên Bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT ngày 25/12/2018 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.