Trong không khí những ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7), từ ngày 11 đến ngày 15/7, Hội cựu chiến binh TANDTC đã thực hiện chuyến hành hương về những địa danh lịch sử, gắn liền với cuộc kháng chiến gian khổ và hào hùng của dân tộc.
Những địa danh đầu tiên trong hành trình đầy ý nghĩa của đoàn Hang tám thanh niên xung phong Quảng Bình, thường được gọi là Hang Tám Cô; Tượng đài Mẹ Suốt; đi thăm Chứng tích chiến tranh Nhà thờ Tam Tòa ở TP Đồng Hới...
Hội cựu chiến binh TANDTC cùng lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Trị dâng hương, hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9.
Hang Tám Cô ở Km16, đường 20 - Quyết Thắng, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nơi đây, ngày 14.11.1972, máy bay giặc ập đến dội bom bắn phá ác liệt trên tuyến đường 20 nhằm ngăn cản sự chi viện cho miền Nam. Lúc đó, 8 TNXP cùng quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa gồm 4 nam và 4 nữ đang làm nhiệm vụ giữ huyết mạch giao thông đã vào hang trú ẩn; không may bom đánh 1 khối đá khổng lồ rơi xuống lấp miệng hang.
Những ngày sau đó, đồng đội đã dùng mọi cách để kéo khối đá ra nhưng đành bất lực và 8 TNXP đã ra đi mãi mãi. Mãi đến năm 1996, người ta mới phá đá cửa hang, tìm thấy nhiều di vật cũng như hài cốt của các TNXP anh hùng. Dù trong đó không phải cả tám TNXP đều là nữ, nhưng nhầm lần ban đầu đã thành tên gọi của hang. Địa phương đã xây cất một ngôi đền bên cạnh để hương khói, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ trên tuyến.
9 hồi chuông vang lên trước lúc bắt đầu dâng hương, hoa
Tượng đài Mẹ Suốt được xây dựng ngay bên bờ sông Nhật Lệ, bên một con đường thuộc loại đẹp nhất của Đồng Hới. Mẹ Nguyễn Thị Suốt (1906-1968), là người đã lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm chiến tranh. Lúc đó, bà đã 60 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Kể từ đó, trong suốt những năm 1964 - 1966, bà vẫn giữ vững nhiệm vụ của mình, đã chèo hàng trăm lượt, ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Tổng cộng ước tính mỗi năm mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, mẹ Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Đoàn cũng đến thăm và chụp ảnh lưu niệm trước di tích Nhà thờ Chánh tòa Đồng Hới. Nơi đây vốn là một Nhà thờ cổ kính đã bị bom đạn tàn phá, chỉ còn lại tháp chuông nham nhở vết đạn bom còn mãi với thời gian. Nhìn tòa tháp, mỗi thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc hơn về sự quý giá của hòa bình.
Phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sỹ
Ngày 13/7, đoàn sang mảnh đất Quảng Trị kiên cường và bất khuất, Đoàn đã cùng với lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Trị tới thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Một số hình ảnh về buổi tham quan
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn - còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Nghĩa trang có diện tích 140.000m2, nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Nơi đây có hơn 10.000 phần mộ; được chia thành 10 khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên... nơi liệt sĩ sinh ra và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí, được 21 quản trang trông nom, giữ gìn chu đáo.
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320...
Đặc biệt xúc động khi đoàn dâng hương tại Đài liệt sĩ trên Thành cổ Quảng Trị. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam. Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, rất nhiều cán bộ chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng. Nhờ sự kiên cường, anh dũng đó ta đã giành thế chủ động trên bàn nghị sự tại hòa đàm Paris và góp phần tiến tới thống nhất đất nước. Hầu hết các liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị đều còn rất trẻ, nhiều người là sinh viên đại học. Giờ đây tất cả các anh chị nằm chung một nấm mồ tượng trưng với ngọn nến vút lên trời cao như khát vọng hòa bình, độc lập và hạnh phúc mà các anh chị đã ngã xuống để giành lấy cho đất nước.
Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc Việt, mỗi mảnh đất, ngọn núi, con sông đều thấm đượm máu xương và sự cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Về lại nơi đây, mỗi thành viên trong Hội cựu chiến binh TANDTC cũng như lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Trị vô cùng xúc động và cảm phục trước những chiến công vang dội, những ngày đêm chiến đấu khốc liệt nhưng oai hùng, những tấm gương hy sinh lẫm liệt của các anh hùng liệt sỹ.
Ông Vũ Thế Đoàn, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TANDTC là một người lính đã từng cầm súng tham gia ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới. Những phút trải lòng mình, ông tâm sự: “Hôm nay trở về thăm lại chiến trường xưa, tôi rất xúc động và cảm kích trước sự hy sinh cao cả của các đồng chí, đồng đội và bậc cha anh đi trước. Đặc biệt, khi gặp các phần mộ của những người thân ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn cũng như nghĩa trang Đường 9 và được nghe kể lại quá trình chiến đấu quật cường của các anh trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, tôi thấy mình đã rất hạnh phúc và may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống. Là những cựu quân nhân, chúng tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong mọi lĩnh vực công tác, rèn luyện, phấn đấu làm tốt hơn nữa những công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phát huy truyền thống yêu nước để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ”.
Tối cùng ngày, Hội cựu chiến binh TANDTC sẽ có buổi giao lưu văn nghệ với Chi hội cựu chiến binh TAND tỉnh Quảng Trị mang chủ đề “Về nguồn”.