Nằm biệt lập, như một ốc đảo, bản Hón Cánh bị ngăn cách bởi dòng sông Đặt. Hàng ngày học sinh đến trường người dân đi làm phải bơi lội qua sông.
Bản Hón Cánh thuộc xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, (Thanh Hóa) có khoảng 16 hộ dân, với 72 nhân khẩu. Là bản thành lập đã lâu do người dân vượt sông khai hoang rồi dựng nhà cửa sống với nhau. Người dân nơi đây quanh năm luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám.
Nằm lọt giữa núi rừng, nên muốn đi vào bản Hón Cánh chúng tôi phải vượt qua những con đường lởm chởm đá, lội qua dòng sông Đặt chảy xiết. Tiếp đó đi bộ khoảng 4 km là đến với bản.
Các em học sinh ướt sũng quần áo khi lội sông để đến được trường
Theo người dân nơi đây cho biết, vào mùa khô dân bản bắc tạm chiếc cầu gỗ tre tạm bợ để qua lại. Nhưng đến mùa mưa lũ, chiếc cầu tạm bị dòng nước lớn cuốn trôi, người dân nơi đây lại chuyển sang phương án bơi lội qua suối hoặc chế bè mảng để qua sông.
Người trưởng thành qua sông còn vất vả, huống gì các em học sinh. Để tới được trường, hàng ngày các em cũng phải vượt qua dòng nước xiết này. Có hôm được bố mẹ đưa qua, có hôm các em phải tự liều mình băng sông.
Em Lê Đình Khương (lớp 11, trường THPT Thường Xuân 3) hàng ngày phải vượt sông, cho biết: “Mùa khô còn có cầu tạm để đi. Nhưng mùa mưa lũ, em cùng các bạn rất khổ. Băng qua sông, ngày nào đến trường em cũng ướt sũng, chuyện té ngã, chân bầm dập là thường xuyên”.
Người dân vất vả gùi cả chục kg măng qua sông để đi chợ bán
Chị Lương Thị Sình (37 tuổi, ở bản Hón Cánh) cho hay: Chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, hái rau quả rừng vì đất nông nghiệp ít lắm các chú à. Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân trong bản không ai dám qua. Muốn qua sông đi chợ mua gạo, mua cá cũng đành chịu, nhiều hôm phải nhịn đói ăn tạm củ khoai, bắp ngô.
Người trong bản đi rừng hái măng, nhưng để đem đi chợ bán họ phải bất chấp nguy hiểm vượt sông gùi hàng chục kg trên lưng và đi bộ cả chục cây số để bán. Nhiều khi bán chậm, hay mưa lớn nước dâng cao, họ phải đợi người chèo mảng qua chở về giúp.
Lội sông là con đường duy nhất khi muốn ra khỏi "ốc đảo"
Thầy Cầm Bá Khuyển – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Vạn Xuân 1 cho biết: Bản Hón Cánh có gần 20 học sinh ở lứa tuổi các cấp. Những ngày mưa lũ, các em học sinh cấp 3 mới đủ can đảm về nhà. Còn các em cấp 1, cấp 2, nhà trường không yên tâm, nên căn dặn phụ huynh gửi ở nhà người quen.
"Địa phương còn nhiều khó khăn nên không thể xây cầu kiên cố cho người dân đi lại. Mong các cấp chính quyền quan tâm để cuộc sống bà con bản Hón Cánh được ổn định hơn và các em học sinh không phải liều mình dưới dòng nước mạnh đến trường", ông Cầm Bá Huế - Phó chủ tịch xã Vạn Xuân bày tỏ.