TAND huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh: Thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

Quang Trung| 19/09/2018 15:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, Thẩm phán, CBCC, TAND huyện Củ Chi đã triển khai và thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử của TANDTC và thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm thi đua, TAND huyện Củ Chi thụ lý 2.972 vụ, việc; giải quyết 2.253 vụ, việc, trong khi số lượng biên chế Thẩm phán, thư ký thiếu rất nhiều so với lượng án phải giải quyết.

Thẩm phán Vũ Tùng Lâm, Chánh án TAND huyện Củ Chi chia sẻ, với 14 giải pháp đã thực hiện và đạt những kết quả nhất định, thì có 4 giải pháp được đánh giá là nổi bậc nhất. Đó là: Công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và công tác đối thoại; giảm số lượng quá hạn luật định, án tạm đình chỉ. Về công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, ngay từ đầu năm, ngoài việc làm tốt công tác triển khai liên tục, thường xuyên các văn bản, giải đáp, Nghị quyết của TANDTC thì TAND huyện Củ Chi đã thực hiện công tác tập huấn nghiệp vụ cho toàn thể Thẩm phán, thư ký, Hội thẩm nhân dân để không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ xét xử, giải quyết án. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để các Thẩm phán, thư ký và các ngành trong khối nội chính của huyện thảo luận và áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Các Thẩm phán cũng luôn nâng cao tinh thần tự nghiên cứu sâu, đề xuất xử lý những vướng mắc kịp thời khi giải quyết án. Hàng tháng đơn vị đều tổ chức phiên họp chuyên môn với toàn thể cơ quan để các lãnh đạo, Thẩm phán, CBCC trao đổi những khó khăn, vướng mắc nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, qua đó cùng nhau tìm ra giải pháp giải quyết vụ, việc đạt chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, đối với các bản án bị hủy, sửa, TAND huyện Củ Chi đưa ra cuộc họp để thảo luận, phân tích tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị không để lặp lại những sai sót tương tự trong tương lai. Hiệu quả đạt được của cách làm này mà chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên rõ rệt, trong 10 tháng đầu năm đơn vị có 4 vụ bị hủy, 24 vụ bị sửa, nhưng chỉ có 2 vụ bị hủy và 5 vụ bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, các vụ còn lại bị hủy, sửa do có tình tiết mới.

TAND huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh: Thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

Thẩm phán Vũ Tùng Lâm, Chánh án TAND huyện Củ Chi 

Đối với công tác hòa giải, trong suốt quá trình giải quyết các vụ án, lãnh đạo, Thẩm phán của đơn vị luôn quán triệt công tác hòa giải và đối thoại là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bởi lẽ, việc hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, vừa giải quyết triệt để các mâu thuẩn giữa các đương sự. Để hòa giải đạt kết quả cao, lãnh đạo đơn vị cho rằng ngoài kinh nghiệm sống, thái độ đúng đắn của mỗi Thẩm phán thì việc tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh, nhân thân, mối quan hệ của các đương sự cũng góp phần quan trọng trong việc hòa giải đạt hiệu quả. Đến nay, TAND huyện Củ Chi đã có gần 1.000 vụ, việc hòa giải thành, đạt gần 45% số án đã giải quyết. Đối với các án hành chính, Thẩm phán thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với người dân, lãnh đạo đơn vị trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện để tìm giải pháp giải quyết nhanh vụ án, đảm bảo hài hòa quyền lợi của chính quyền và người dân.

Năm 2017, lượng án tạm đình chỉ của TAND huyện Củ Chi là hơn 600 vụ, đến nay đã giải quyết được hơn một nửa, số còn lại đa số đã có quyết định mở ra tiếp tục giải quyết, hiện còn trong thời hạn luật định. Đa số án tạm đình chỉ còn lại tại đơn vị đều rất phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng; người tham gia tố tụng chết cần đưa người thừa kế quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hay chờ kết quả giải quyết của cơ quan khác. Hiện tại, lãnh đạo TAND huyện yêu cầu Thẩm phán trước khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án phải báo cáo lãnh đạo xem xét. Mặt khác, ngay từ đầu năm, TAND huyện Củ Chi phát động phong trào thi đua ngắn hạn đẩy nhanh giải quyết án tạm đình chỉ, hàng tháng chi bộ ra Nghị quyết giao chỉ tiêu giải quyết án cho từng Thẩm phán.

Thẩm phán Vũ Tùng Lâm, Chánh án TAND huyện Củ Chi cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những mặt tồn tại, TAND huyện Củ Chi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp với sự quyết tâm cao nhất của toàn thể CBCC, người lao động của đơn vị nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các loại án. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh: Thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử