Chẳng biết từ bao giờ, trong mắt đồng nghiệp, bạn bè hay những người dân từng tiếp xúc, họ trân trọng gọi chị là Thẩm phán luôn gắn tên mình trong mỗi phiên xử.
Nói vậy bởi lẽ, chị là người sống gần gũi, tâm huyết và yêu nghề, lại được đánh giá cao trong chuyên môn, đặc biệt cách làm việc của chị luôn khiến cho người khác phải tâm phục, khẩu phục.
Thẩm phán Trần Thị Minh Tâm, Phó Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có tuổi đời còn khá trẻ, song bản thân chị luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình cũng như tính chất công việc đang làm đối với xã hội và nhân dân. Mỗi phán quyết đều được chị xem xét kỹ lưỡng, hợp tình, hợp lý và hướng đến cho người phạm tội tự ý thức, tự đánh giá được hành vi sai trái của mình cũng như cảm nhận được sự bao dung, khoan hồng của pháp luật. Sâu xa hơn nữa là chị muốn tuyên truyền pháp luật đến người dân, để thức tỉnh, cảnh báo họ không phạm sai lầm.
Kinh tế xã hội phát triển nâng cao mức sống của người dân nhưng cũng kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Trong năm 2014, số lượng các loại án đều gia tăng đáng kể so với những năm trước. Nắm bắt rõ tình hình xã hội diễn ra trên địa bàn, chị đã tham mưu, cùng lãnh đạo đơn vị đề ra và trực tiếp xét xử nhiều vụ án điểm, án lưu động, phiên tòa mẫu, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cộng đồng, đấu tranh phòng chống tội phạm. Các vụ án có kháng cáo đều được cấp phúc thẩm y án, không có vụ nào bị hủy hoặc cải sửa.
Phó Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên Trần Thị Minh Tâm
TAND huyện Cẩm Xuyên có tổng số án thụ lý, giải quyết năm 2014 là 171 vụ, đã giải quyết 171 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, kịp thời đưa ra xét xử 4 vụ án lưu động, 5 vụ án điểm. Tất cả các vụ việc đều đã được giải quyết trong hạn luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Những án xét xử nhiều nhất vẫn là án hôn nhân gia đình, chị lại là người phụ trách trực tiếp xét xử. Nhận thấy điểm khó khăn nhất trong giải quyết loại án này là hầu hết các cặp vợ chồng, khi đã đưa nhau ra Tòa thì mâu thuẫn vợ chồng hết sức trầm trọng, việc hòa giải để các bên trở về đoàn tụ là rất khó khăn, vấn đề nuôi con và tranh chấp về tài sản lại luôn là điều phức tạp…
Bởi vậy, ngoài những hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, người Thẩm phán còn phải biết kết hợp linh hoạt nhiều yếu tố khác để tránh làm tổn thương những người liên quan. Đối với loại án này, trước khi xét xử, chị luôn tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ, lập kế hoạch xác minh, kế hoạch xét hỏi chi tiết. Từ đó, cùng tập thể Hội đồng xét xử đề ra đường lối giải quyết phù hợp, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý.
Từ ngày 1/10/2013 đến 30/9/2014, chị đã trực tiếp giải quyết 51 vụ án các loại. Ngoài nhiệm vụ chính là Thẩm phán giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và hành chính, lao động, chị còn chủ động tham gia với các Thẩm phán, Thư ký trong đơn vị bàn bạc, thống nhất đường lối, hướng giải quyết nhiều vụ án khác.
Nhiều năm liền, Thẩm phán Trần Thị Minh Tâm luôn đạt thành tích cao trong công việc, liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở (từ năm 2012 đến 2013); được nhận bằng khen của Chánh án TANDTC. Giỏi chuyên môn lại mạnh về các hoạt động phong trào đoàn thể do cơ quan và TANDTC phát động, trong năm 2014, chị đã được TANDTC tặng bằng khen về hoạt động chào mừng ngày thành lập TAND.
Với chị, việc ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trước cơ quan, tập thể, trước nhân dân là động lực để chị hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, để có được những kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xét xử thì chị còn học hỏi kinh nghiệm và trao đổi kịp thời những vướng mắc về nghiệp vụ từ các đồng nghiệp.