Pháp luật hình sự Việt Nam: Những quy định phù hợp với Công ước về chống tra tấn

Phương Nam| 23/03/2016 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, đảm bảo quyền con người, pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định phù hợp.

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 ngày 28/11/2014, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT 1984). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

UNCAT 1984 gồm 4 nội dung cơ bản: (1) chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; (2) điều tra các cáo buộc và nghi ngờ tra tấn; (3) chống việc không chịu hình phạt bằng cách lên án tra tấn và đưa kẻ phạm tội ra pháp luật; (4) trao nạn nhân bị tra tấn quyền chữa trị hiệu quả và phục hồi đầy đủ.

UNCAT 1984 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất hiện nay về chống tra tấn, được sử dụng như một quy định tham chiếu chung trong luật nhân quyền quốc tế và luật hình sự quốc tế khi đề cập đến vấn đề tra tấn. Ngoài thực hiện nghĩa vụ quốc tế, mỗi quốc gia dựa trên tinh thần nhân đạo và bằng biện pháp riêng biệt, cụ thể áp dụng tại quốc gia mình nhằm nỗ lực hơn nữa hoàn thiện pháp luật về quyền con người, loại trừ mọi hình thức tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Pháp luật hình sự Việt Nam: Những quy định phù hợp với Công ước về chống tra tấn

Lấy lời khai nghi can (ảnh minh họa)

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 (viết tắt BLTTHS). Theo đó, rất nhiều những nội dung quy định có tính nguyên tắc được đưa vào Bộ luật này là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, như: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người. (Điều 10).

Ngoài ra, khoản 6 Điều 183 BLTTHS quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Với quy định này, đối với hoạt động hỏi cung được đánh giá là cần thiết nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Điều 11 BLTTHS quy định về bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân bị xử lý theo pháp luật.

Ngoài ra, Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, mà theo đó, tại khoản 3 Điều 4 của Luật này ghi nhận nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”; khoản 1 Điều 8 quy định hành vi bị nghiêm cấm:“Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.”

 Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, quy định về tội “Dùng nhục hình” tại Điều 373. So sánh tội danh này với quy định tại Điều 298 BLHS năm 1999, cho thấy đã có sự “nội luật hóa” Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc theo tinh thần Nghị quyết 83/2014/QH13.

BLHS 2015 đã sửa đổi tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội Dùng nhục hình, tội Bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu của Công ước chống tra tấn.

Theo đó, BLHS 2015 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).

BLHS 2015 bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội Dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

BLHS 2015 bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội Bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật hình sự Việt Nam: Những quy định phù hợp với Công ước về chống tra tấn