Hoàn thiện quy định về các tội phạm tham nhũng và chức vụ (Kỳ 1)

Phương Nam| 11/08/2015 14:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp… là những khuyến nghị của Tổ chức Hướng tới Minh bạch khi góp ý về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS)...

Kỳ 1: Cần quy định tội “Đưa hối lộ cho công chức nước ngoài”

Xác định khách thể mà tội phạm tham nhũng xâm hại

Theo các chuyên gia, việc đổi tên Chương XXI, BLHS hiện hành từ “Các tội phạm về chức vụ” thành “Các tội phạm tham nhũng và chức vụ” và bố cục lại chương này nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng sau:

Xác định dấu hiệu quan trọng/bản chất nhất của tội này chính là khách thể mà nó xâm hại đến, đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức công, thay vì coi chủ thể của hành vi là dấu hiệu nhận biết loại tội phạm này như BLHS hiện hành; Mở rộng phạm vi bảo vệ của BLHS sang cả hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức công của nước ngoài, tổ chức quốc tế công; Mở rộng nhóm chủ thể của hành vi tham nhũng (chủ thể đưa hối lộ) không chỉ là người có chức vụ trong bộ máy công quyền Việt Nam mà cả những chủ thể dân sự khác; Chương XXI “Các tội phạm tham nhũng và chức vụ” sẽ “gom” tất cả các hành vi được quy định tại các Chương khác của BLHS nếu hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm tham nhũng, để xác lập toàn diện khung pháp lý đối với loại tội phạm này.

Hiện tại, không chỉ Chương XXI, mà rất nhiều Chương khác của BLHS cũng quy định về hành vi phạm tội của người có chức vụ với những dấu hiệu hoàn toàn phù hợp với khái niệm tội phạm về chức vụ được quy định tại Điều 277, Chương XXI, BLHS hiện hành: “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.

Nói cách khác, không chỉ 14 nhóm hành vi được quy định tại Chương XXI mới được coi là tội phạm về chức vụ, trong đó, không chỉ 07 nhóm hành vi được quy định tại Mục A, Chương XXI mới được coi là tội phạm tham nhũng.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và BLHS hiện hành thì chủ thể của hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn; mặt khách quan của hành vi tham nhũng là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn; mặt chủ quan của hành vi là động cơ vụ lợi; khách thể xâm hại của hành vi là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức khu vực công. Như thế, chắc chắn tội phạm tham nhũng không thể chỉ được “khoanh lại” hay bị quy nạp tại Mục A, Chương XXI như hiện nay.

Quy định còn bất cập tại Mục A, Chương XXI này dẫn đến thực tiễn xét xử đã bỏ qua rất nhiều hành vi tham nhũng trên các lĩnh vực. Bởi theo đó, chẳng hạn một cán bộ, công chức có thể bị xét xử theo một tội danh khác, thay vì tội danh tham nhũng, cho dù các dấu hiệu tội phạm trùng khít với tội tham nhũng.

Hành vi xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công không chỉ được thực hiện bởi những chủ thể thuộc khu vực công - những người có chức vụ, quyền hạn vì nếu một người dân đưa hối lộ, môi giới hối lộ quan chức thì hành vi này đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức khu vực công cho dù nó không được thực hiện bởi những người có chức vụ công theo quy định tại Điều 277 BLHS hiện hành.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), chủ thể của các hành vi tham nhũng trước hết là “công chức” và khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước là tương đối toàn diện, bao gồm cả hai nhóm đối tượng: công chức của quốc gia; công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Nhóm đối tượng này chủ yếu được đề cập dưới dạng là chủ thể của hành vi thụ động hối lộ theo quy định tại Điều 16 của Công ước.

Sửa đổi để phù hợp với luật pháp quốc tế

Theo Bộ Tư pháp, với tư cách là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam phải hình sự hóa một số hành vi tham nhũng được nêu trong Công ước như hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công. Trên thực tế, qua thực tiễn thi hành BLHS, ở nước ta đã xuất hiện trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình mà cá nhân Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhưng chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như đưa hối lộ.

Tương tự, việc không coi người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là chủ thể tội phạm tham nhũng đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, xử lý không công bằng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Việc một người nào đó vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ, hợp tác với các nước, việc bổ sung hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công là cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta vừa đáp ứng yêu cầu của Công ước mà Việt Nam là thành viên.

Để đáp ứng sự cần thiết khách quan nói trên, thay vì có một điều quy định khái niệm “Các tội phạm về chức vụ”, Chương XXI của BLHS hiện hành cần bổ sung một Điều định nghĩa trực tiếp về tội phạm tham nhũng. Về cách thức thể hiện hành vi phạm tội này vào trong BLHS sửa đổi, đề nghị:

Bổ sung thêm một tội danh độc lập - Tội “Đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công”, với các yếu tố cấu thành tội phạm như quy định tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hoặc sửa lại Điều 289 BLHS hiện nay để thể hiện rõ Điều 289 áp dụng để xử lý hành vi đưa hối lộ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài có chức vụ, quyền hạn.

Sửa đổi Điều 279 để xác định rõ dấu hiệu người được hưởng lợi từ việc hối lộ, dấu hiệu này không được xác định rõ có thể gây ra hiện tượng nhầm lẫn về chủ thể của tội phạm hoặc bỏ lọt tội phạm; mở rộng phạm vi trấn áp đối với các hành vi “gợi ý”, “hứa hẹn” hối lộ chứ không phải chỉ với hành vi đưa hối lộ như hiện nay.

Ghi nhận thời điểm hoàn thành của tội đưa hối lộ là không chỉ “đưa” mà còn cả “sẽ” đưa cho tương ứng với thời điểm hoàn thành của tội nhận hối lộ (“đã” nhận và “sẽ” nhận) theo cách quy định của Điều 15, UNCAC cũng như sửa đổi tội làm môi giới hối lộ cho phù hợp với luật pháp quốc tế (tương thích với tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ) để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vì mặc dù không phải là các tội phạm về tham nhũng theo BLHS hiện hành, nhưng chính sách hình sự của Nhà nước ta đặt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống cả hai hành vi liên quan chặt chẽ với nhau là “đưa” và “nhận hối lộ” (cùng với cả hành vi “môi giới hối lộ”), tất cả đều nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự sống còn của chế độ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện quy định về các tội phạm tham nhũng và chức vụ (Kỳ 1)