Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 1)

Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC)| 24/09/2014 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bài viết này nhằm giới thiệu mô hình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao của một số quốc gia trên thế giới. Bằng phương pháp phân tích và so sánh với chế định hiện hành tại Việt Nam, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện chế định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC Việt Nam phù hợp với Hiến pháp mới 2013, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) theo tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trước hết, cần lưu ý một số điểm. Thứ nhất, khái niệm Tòa án tối cao trong bài viết là nhằm đề cập đến Tòa án cấp cao nhất có thẩm quyền chung của quốc gia (Tòa phá án Pháp, Tòa án tối cao Nhật, Mỹ, Tòa án tối cao liên bang Đức…) Hệ thống tòa án tại các nước được tổ chức rất khác nhau. Những nước theo thông luật (Mỹ, Úc…) và Nhật Bản chỉ có một hệ thống tòa án duy nhất, đứng đầu là Tòa án tối cao. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia theo truyền thống dân luật (Đức, Pháp, Nga…), khái niệm “hệ thống tòa án quốc gia” phải được hiểu là bao gồm nhiều “tiểu hệ thống” song song tồn tại, bao gồm Tòa án có thẩm quyền chung, Tòa án hành chính, Tòa án hiến pháp… mà đứng đầu mỗi tiểu hệ thống này là một “Tòa án tối cao”; các Tòa án tối cao có vị trí ngang nhau trong bộ máy nhà nước. (Ví dụ, Đức có 5 tiểu hệ thống tòa án, Hàn Quốc có 2 tiểu hệ thống tòa án…). Quy trình bổ nhiệm thẩm phán của các tiểu hệ thống này tại mỗi quốc gia có những điểm khác biệt. Bài viết này chỉ tập trung vào quy trình bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao của “tiểu hệ thống” tòa án có thẩm quyền chung ở một số nước dân luật, và Tòa án tối cao (duy nhất) ở một vài nước khác theo truyền thống thông luật.

Thứ hai, phạm vi thẩm quyền, chức năng, tổ chức, phương thức hoạt động… của Tòa án tối cao có ảnh hưởng đến số lượng, quy trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn Thẩm phán. Thẩm quyền này lại do các luật tố tụng và luật nội dung quy định. Ở nhiều nước theo truyền thống thông luật và Nhật Bản, ngoài việc xét xử các vụ án dân sự, hình sự thông thường, Tòa án có thẩm quyền chung thực hiện còn thực hiện cả chức năng giải thích hiến pháp. Ngược lại, ở đa số các nước theo dân luật, chức năng giải thích hiến pháp thường được trao cho một “Tòa án” hoặc “Cơ quan bảo hiến” khác (Tòa án hiến pháp liên bang Đức, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, Hội đồng Nhà nước Pháp….). Cùng với sự khác biệt về thủ tục tố tụng, điều này lý giải sự khác biệt lớn về số lượng, cấu phần và quyền đề xuất ứng cử viên thẩm phán của Tòa án tối cao giữa các quốc gia theo thông luật (có một hệ thống tòa án duy nhất) và dân luật (có thể có nhiều tiểu hệ thống tòa án).

Thứ ba là sự chuyển đổi nghề nghiệp trong các thành viên nghề luật (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…). Tại các nước thông luật, “luật sư” là thuật ngữ chung chỉ những người tốt nghiệp đại học luật và làm những công việc trong lĩnh vực luật pháp. Trong sự nghiệp của một cá nhân, người đó có thể chuyển đổi tương đối dễ dàng và thường xuyên từ nghề này sang nghề khác, và họ vẫn được coi là luật sư. Ngược lại, trong truyền thống dân luật, có một điều kiện ngay từ đầu sự nghiệp là ứng cử viên phải tốt nghiệp các khóa đào tạo chuyên môn về nghề nghiệp mình định theo đuổi. Việc chuyển đổi có thể thực hiện được trên lý thuyết, nhưng rất ít diễn ra trên thực tế bởi cá nhân họ phải mất nhiều thời gian làm lại - kiến thức và kinh nghiệm của họ ở vị trí cũ không tạo ra lợi thế cạnh tranh cho họ ở vị trí mới. Do vậy, về lý thuyết, nguồn ứng cử viên Thẩm phán Tòa án tối cao là tương đối rộng, nhưng trên thực tế tại đa số các nước dân luật, do ảnh hưởng của quy trình bổ nhiệm, có thể nhận xét một số lượng lớn Thẩm phán Tòa án tối cao đều có kinh nghiệm làm thẩm phán tại các Tòa án cấp dưới trước đó.

Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 1)

Thẩm phán Tòa án tối cao Cộng hòa Pháp (ảnh minh họa)

Có 4 hình thức tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán nói chung trên thế giới.

Thứ nhất là phương pháp bổ nhiệm dựa trên đề xuất của cơ quan hành pháp hoặc lập pháp (Úc, New Zealand trước đây…) Quy trình này bị coi là khép kín, không mở rộng nguồn bổ nhiệm và dần dần bị thay thế bằng cơ chế Hội đồng tuyển chọn.

Thứ hai, chương trình bổ nhiệm sau các chương trình đào tạo chính thức (Châu Âu lục địa, Nhật Bản, Hàn Quốc…) Đặc trưng của hình thức này là ứng cử viên phải được đào tạo đặc biệt trước khi được bổ nhiệm thẩm phán. Ưu điểm của hệ thống này là minh bạch, chế định tuyển chọn dựa trên phẩm chất rõ ràng, có thể bổ nhiệm được các thẩm phán trẻ có xuất thân đa dạng hơn, nhưng chế định này có lẽ không phù hợp với truyền thống thông luật.

Thứ ba là hình thức bầu cử thẩm phán (một số bang của Mỹ, hoặc bầu thẩm phán cho các Tòa án không phải là tòa án thông thường). Ưu điểm của hình thức này là nó buộc thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước những người bầu ra mình. Nhược điểm của nó là người bầu có thể không hiểu biết đầy đủ về trình độ, năng lực của thẩm phán dẫn đến trình độ thẩm phán thấp. Hình thức này nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của bài viết.

Cuối cùng là cơ chế Hội đồng tuyển chọn. Đây là cơ chế xuất hiện trên thế giới không lâu, được nhiều nước theo cả truyền thống thông luật và dân luật áp dụng, thay thế cho các cơ chế truyền thống. Cơ chế này tăng cường sự công khai, minh bạch, bảo đảm tính đa dạng trong nguồn thẩm phán, giảm được những ảnh hưởng bên ngoài không cần thiết vào quá trình bổ nhiệm. Qua đó tăng cường lòng tin của công chúng vào quá trình bổ nhiệm và tiếp theo, vào tòa án.

I. GIỚI THIỆU QUY TRÌNH BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TÒA ÁN TỐI CAO MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

1. CỘNG HÒA PHÁP

Toà phá án là cơ quan xét xử cao nhất trong ngạch tư pháp. Toà phá án bao gồm 6 Toà chuyên trách: 1 Toà hình sự, 3 Toà dân sự, 1 Toà thương mại, 1 Toà lao động. Toà phá án có190 Thẩm phán.

Quy trình bổ nhiệm: Theo nguyên tắc, Thẩm phán ngạch tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm phán tối cao hoặc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chánh án và các Thẩm phán Toà phá án, Chánh án các Toà án phúc thẩm, Chánh án các Toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng do Hội đồng Thẩm phán tối cao lựa chọn ứng cử viên và trình lên Tổng thống bổ nhiệm.

Hội đồng Thẩm phán tối cao được thành lập theo Luật ngày 30-8-1883, nhưng mãi đến năm 1946 mới được ghi nhận trong Hiến pháp ngày 27-10-1946. Theo quy định tại Điều 65 của Hiến pháp, Hội đồng Thẩm phán tối cao do Tổng thống làm Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó Chủ tịch. Qua nhiều lần cải tổ, đến năm 2008 Hội đồng có cơ cấu như sau: Bộ phận chuyên trách về Thẩm phán có 6 thành viên, gồm 5 Thẩm phán và 1 Công tố viên do Chánh án Toà phá án làm Chủ tịch; bộ phận chuyên trách về Công tố viên có 6 thành viên, gồm 5 Công tố viên và 1 Thẩm phán, do Công tố viên trưởng Toà phá án làm Chủ tịch. Ngoài các thành viên nói trên, thành viên của cả hai bộ phận còn bao gồm 8 thành viên khác không thuộc ngành Toà án: 1 thành viên của Tham chính viện do Đại hội đồng của Tham chính viện bầu ra, 1 luật sư do Chủ tịch Hội đồng luật sư quốc gia bổ nhiệm trên cơ sở ý kiến thông qua của Đại hội đồng của Hội đồng luật sư quốc gia, 6 cá nhân có phẩm chất nổi bật được Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm theo cặp 1 nam - 1 nữ.

Nhiệm kỳ: Trong số 190 Thẩm phán Tòa phá án, có 120 Thẩm phán có nhiệm kỳ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi), 70 Thẩm phán còn rất trẻ có nhiệm kỳ 10 năm (hết nhiệm kỳ 10 năm sẽ về làm Thẩm phán ở Toà án cấp dưới).

2. LIÊN BANG ĐỨC

Toà án tối cao liên bang là Toà án có vị trí cao nhất của hệ thống Toà án có thẩm quyền chung. Tính đến tháng 6-2010, Toà án tối cao liên bang có 423 người trong đó có 127 Thẩm phán làm việc tại 12 ban (có thể gọi là Toà) dân sự, 5 ban hình sự, 1 ban hỗ trợ. Các cộng tác viên gồm 50 Thẩm phán thuộc hệ thống Toà án thẩm quyền chung của 16 bang hỗ trợ các ban xét xử này. Các Thẩm phán này được biệt phái đến công tác tại Toà án tối cao liên bang với thời gian thông thường là 3 năm.

Quy trình bổ nhiệm: Ứng cử viên thẩm phán phải là người đã vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia lần thứ hai, phải nộp đơn lên Bộ Tư pháp bang đề nghị được làm Thẩm phán. Nếu được chấp nhận, họ sẽ được bổ nhiệm làm “Thẩm phán thử việc”, thời gian thử việc là 5 năm kể từ ngày bổ nhiệm; nếu họ đã là công chức, thời gian thử việc là 2 năm. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, Thẩm phán thử việc có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán chính thức. Việc bổ nhiệm Thẩm phán ở các bang rất khác nhau. Nhìn chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán của Toà án thẩm quyền chung.

Thẩm phán các Toà án liên bang (bao gồm Thẩm phán Tòa án tối cao) do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang và Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán liên bang. Ủy ban này gồm 32 thành viên, 16 người là đại diện các Bộ trưởng tư pháp Bang, 16 người còn lại do Quốc hội bầu.

Nhiệm kỳ: Các Thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 1)