Bàn về một số vấn đề trong giải quyết án lao động

Hoàng Hạnh| 25/08/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tế cho thấy, so với các loại án khác thì án lao động không nhiều nhưng có tính chất phức tạp vì liên quan đến quyền lợi của người lao động, thậm chí là tập thể người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, hiện nay còn nhiều vướng mắc khi giải quyết án lao động do quy định chưa cụ thể hoặc thiếu hướng dẫn.

Theo quy định hiện hành, đương sự muốn biết được (xem, sao chụp) về chứng cứ Tòa án thu thập hoặc đương sự khác cung cấp thì phải làm đơn và được Tòa án cho phép. Cơ chế tiếp cận chứng cứ này của đương sự còn mang nặng tính hành chính, xin cho, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng.

Khoản 2 Điều 80 quy định tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Trong thực tế giải quyết một vụ án tại Tòa án, khi một bên cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Tòa án cần thực hiện thủ tục lập biên bản giao nhận chứng cứ do bên đó cung cấp. Tuy nhiên, luật không có quy định bên cung cấp chứng cứ phải sao y các chứng cứ gửi cho các bên còn lại trong vụ án, đồng thời cũng không có quy định “Tòa án có trách nhiệm thông báo cho các bên còn lại về các chứng cứ mà đương sự đã cung cấp”. Như vậy sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là đương sự thực hiện quyền theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 58 nghĩa là xin ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình; hai là đương sự không biết để thực hiện quyền này. Trong cả hai trường hợp, BLTTDS đều không có quy định cụ thể Tòa án làm những thủ tục gì để xác nhận đương sự có thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra để công nhận tình tiết, sự kiện đó thuộc loại chứng cứ không phải chứng minh.

Tại Điều 35, 36 BLTTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu. Vậy vấn đề đặt ra là: Hiểu như thế nào là đúng về nơi cư trú cuối cùng của bị đơn? Bởi vì có xác định được nơi cư trú cuối cùng của bị đơn, của người bị yêu cầu thì mới có căn cứ xác định được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong BLTTDS không giải thích như thế nào là nơi cư trú cuối cùng. Vấn đề này đã gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.

Bàn về một số vấn đề trong giải quyết án lao động

Công nhân ngành dệt may   Ảnh: SH

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 35 BLTTDS quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ như sau: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết… Vậy trường hợp bị đơn là chủ doanh nghiệp tư nhân thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi chủ doanh nghiệp tư nhân cư trú hay nơi có trụ sở doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động kinh doanh? Ví dụ: Người lao động khởi kiện Doanh nghiệp B. Doanh nghiệp B theo giấy phép kinh doanh vẫn còn có hiệu lực, có trụ sở ở quận A nhưng khi đến quận A thì được biết, trụ sở đặt ở đây là nhà thuê và không có hoạt động gì; chủ doanh nghiệp B có hộ khẩu tại quận B. Vậy xác định Tòa án quận A hay quận B giải quyết?

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được quy định tại chương VIII BLTTDS hiện hành, theo đó, luật đã quy định về quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, tổ chức khởi kiện; thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT; trách nhiệm do áp dụng BPKCTT không đúng; các biện pháp khẩn cấp tạm thời…. Tuy nhiên, BLTTDS không có quy định để cụ thể cho trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng BPKCTT mà Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, hoặc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút đơn khởi kiện, hoặc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm ra quyết định về việc giải quyết vụ án thì phải đồng thời quyết định về việc tiếp tục hay hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT. Chính vì thế nên đã dẫn đến thực tế có nhiều vụ án đã có bản án, quyết định của Tòa án nhưng BPKCTT đã được áp dụng vẫn tồn tại mà không có căn cứ để xử lý, nhiều trường hợp dẫn đến thiệt hại cho các bên liên quan.

Về BPKCTT “buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động” quy định tại Điều 106 BLTTDS “… Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu trả tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết”. Quy định này rất chung chung vì khó xác định thế nào là“có căn cứ và cần thiết”.

Mặt khác, BLTTDS cũng chỉ mới quy định được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, nhưng phải kèm theo đơn khởi kiện mà chưa có thủ tục quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện. Hiện nay Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay đã quy định BPKCTT không gắn với việc khởi kiện.

Thực tiễn cho thấy, việc quy định áp dụng BPKCTT không gắn với việc khởi kiện tại Tòa án là cần thiết vì có nhiều trường hợp đương sự không muốn khởi kiện hoặc khi Tòa án vừa ra quyết định áp dụng BPKCTT thì người có nghĩa vụ đã thực hiện ngay nghĩa vụ. Biện pháp khẩn cấp là biện pháp được áp dụng trong tình thế cấp thiết và phải được áp dụng ngay nếu phải qua khởi kiện mới áp dụng được thì chậm trễ, có khi phía bên kia đã đủ thời gian để tẩu tán tài sản, gây bất lợi cho người kiện. Đặc biệt trong các vụ án lao động mà bị đơn là doanh nghiệp nước ngoài vì khi tài sản hoặc con người đã đi ra khỏi lãnh thổ Việt nam thì sẽ rất khó khăn cả trong quá trình giải quyết vụ án, cả trong việc đảm bảo tính khả thi cao đối với một quyết định, bản án có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, thực tế nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn yêu cầu Tòa án áp dụng ngay một BPKCTT để bảo toàn tài sản, để bảo vệ quyền lợi của mình, để có thời gian hòa giải mà không muốn khởi kiện hoặc sau đó tự giải quyết tranh chấp nên không khởi kiện. Do vậy, việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện sẽ giúp người dân có thể giải quyết vụ việc của mình nhanh gọn, kịp thời, không phải trả qua trình tự kiện tụng kéo dài; từ đó Tòa án cũng tránh bị áp lực quá nhiều vụ việc phải giải quyết, nhất là đối với các vụ án lao động, việc chậm trễ giải quyết không những ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn về một số vấn đề trong giải quyết án lao động