Tòa án nhân dân - 70 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam (kỳ 1)

Trương Hòa Bình (Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC)| 29/07/2015 11:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bẩy mươi năm bền bỉ phấn đấu, trung thành, vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, Tòa án nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức đội ngũ, trình độ chính trị - pháp lý, xứng đáng là thiết chế nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp quốc gia, bảo vệ công lý, bảo vệ thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chấn động thế giới, đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vô cùng anh dũng. Ngay sau khi giành được Chính quyền, chúng ta đã xóa bỏ bộ máy hành chính, quân đội, bộ máy tư pháp của Chính quyền phong kiến.... đồng thời, khẩn trương thiết lập bộ máy Nhà nước cách mạng, trong đó có cơ quan Tòa án, xây dựng một Nhà nước dân chủ nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Xác định Toà án là một thiết chế Tư pháp quan trọng của bộ máy Nhà nước, được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân…Vì vậy, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập 11 ngày, ngày 13-09-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33-c thiết lập các Toà án quân sự; và ngày 24/01/1946  ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án nhân dân và các ngạch Thẩm phán. Do đó, có thể coi Tòa án quân sự là tiền thân của Hệ thống Tòa án nhân dân hiện nay. Và ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam.

Quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân đã gắn liền với quá trình hoàn thiện và củng cố bộ máy nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); gắn liền với tiến trình cải cách nền tư pháp quốc gia, nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, luôn đề cao hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân, được coi là nhân tố tạo dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh.

Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân đã từng bước trưởng thành, phát triển ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Tòa án nhân dân đã qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi dấu, minh chứng các cuộc cải cách tư pháp đó.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH NỀN TƯ PHÁP QUỐC GIA

Sau khi ban hành Sắc lệnh số 33-C ngày 13/09/1945 thành lập các Tòa án quân sự, ngày 24-01-1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ về tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở ; tổ chức các Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán. Theo Sắc lệnh này, Thẩm phán gồm có hai ngạch : Thẩm phán sơ cấp và Thẩm phán đệ nhị cấp. Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp (Phủ, Huyện, Châu), Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở các Toà đệ nhị cấp (Tỉnh, Thành phố) và Toà thượng thẩm (Bắc, Trung, Nam kỳ).

Khái quát về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân trong năm 1945 chúng ta thấy, do hoàn cảnh thực tiễn lịch sử và yêu cầu bảo vệ Chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, nên Toà án được tổ chức một cấp, quyết định của Toà án sẽ được thi hành ngay sau khi tuyên án, không có quyền chống án, trừ người bị Toà án Quân sự kết án tử hình thì có quyền làm đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Trong trường hợp người bị kết án tử hình có  đơn xin ân giảm án tử hình, thì bản án chưa được thi hành mà phải chờ quyết định của Chủ tịch Chính phủ (Điều 3 Sắc lệnh 33- C ngày 13-9-1945). Đối với Nam bộ, bằng Sắc lệnh số 77B ngày 24-12-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã uỷ quyền cho Ban thường vụ của Uỷ ban nhân dân Nam bộ quyền ân giảm án tử hình thay cho Quyết định của Chính phủ.

Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan trong những ngày đầu mới giành chính quyền, việc xây dựng hệ thống Toà án theo Sắc lệnh 13 ngày 24-01-1946 chưa thực hiện được đầy đủ ở khắp các địa phương trong toàn quốc. Do đó, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 22-B ngày 18-12-1946 để giao quyền trợ cấp tư pháp cho Uỷ ban hành chính ở những nơi chưa đặt được Toà án biệt lập. Theo Sắc lệnh này, ở nơi nào chưa thiết lập được Toà án thì Uỷ ban hành chính sẽ kiêm việc tư pháp (Uỷ ban Hành chính tỉnh có quyền hạn như Toà án đệ nhị cấp; Uỷ ban hành chính phủ, huyện, châu có quyền hạn như Toà án sơ cấp).

Ngày 09-11-1946, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về “Cơ quan tư pháp”, theo đó Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: Toà án tối cao; các Toà án phúc thẩm; các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). 

Do thực dân pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, chiến tranh nổ ra, toàn quốc kháng chiến, nên hệ thống Toà án chưa tổ chức được theo Hiến pháp 1946.

Để đáp ứng công tác xét xử trong hoàn cảnh kháng chiến, ngày 29-12-1946 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức Tư pháp trong tình thế đặc biệt. Bản Thông lệnh này cùng với bản Thông lệnh số 6/NV-CT ngày 28-12-1946 về tổ chức chính quyền trong thời kỳ đặc biệt là những cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động của hệ thống Toà án trong thời kỳ kháng chiến được linh hoạt.  

Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959, chúng ta thấy giai đoạn này được chia thành hai bước: Bước một từ năm 1945 đến năm 1949. Trong thời kỳ này, chúng ta đã hoàn toàn bãi bỏ Tòa án của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập những Tòa án nhân dân mới, trong đó có Tòa án quân sự, đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng. Tuy nhiên, các Tòa án “thường” (Tòa án nhân dân) do những điều kiện khách quan và chủ quan của lịch sử để lại, đặc biệt chúng ta vừa thiếu cán bộ, vừa thiếu kinh nghiệm tư pháp, nên các Tòa án còn tổ chức theo mô hình và kế thừa một số nội dung của pháp luật cũ.

Bước thứ hai từ năm 1950 đến năm 1958. Trong bước này đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức và chuyên môn của Tòa án nhân dân, tính nhân dân của Tòa án nhân dân được thể hiện rõ nét cả trong tổ chức và trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950 quy định tên gọi các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay đổi thành Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, trong bước này, cũng do đặc điểm của lịch sử, đội ngũ cán bộ Tòa án có trình độ pháp lý còn ít, một bộ phận thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật chưa được đào tạo bài bản, nên phần nào còn hạn chế trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm 1958 có thể được xem là dấu mốc quan trọng của công cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất. Tại Hội nghị lần thứ 14 Khóa II (tháng 11/1958) Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở. Trong tình hình chung đó, bộ máy Nhà nước nói chung, Toà án nhân dân nói riêng được tăng cường và cải cách thêm một bước mới. Tại kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội khóa I, tháng 4-1958 Quốc hội quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách hệ thống Toà án nhân dân và Viện công tố khỏi Bộ Tư pháp.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo luật này, đơn vị hành chính cấp khu ở đồng bằng và trung du được bãi bỏ. Do đó, ngày 14-8-1959 chính phủ đã ra Nghị định số 300- TTg tổ chức lại các Toà án nhân dân phúc thẩm, sáp nhập 6 Toà án nhân dân phúc thẩm thành 3 Toà án nhân dân phúc thẩm tại Hà Nội, Hải Phòng và Vinh.

Ngày 31-11-1959, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp mới của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (công bố ngày 01-01-1960).  Hệ thống Toà án nhân dân theo Hiến pháp năm 1959 bao gồm Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự. Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt (Điều 97).

Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, ngày 14-7-1960, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân.

Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 quy định “các Toà án nhân dân gồm có: Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự” và “Các Toà án nhân dân địa phương gồm có: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, Toà án nhân dân ở các khu vực tự trị”. “Ở các khu vực tự trị, tổ chức các Toà án nhân dân địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân khu vực tự trị quy định, căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp và những nguyên tắc tổ chức Toà án nhân dân trong luật này” (Điều 2). Luật Tổ chức TAND năm 1960 không quy định cụ thể về tổ chức của các Tòa án các cấp, chỉ quy định có tính chất nguyên tắc về chế độ bầu cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, không quy định về tiêu chuẩn cụ thể của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.

“Để kiện toàn Toà án nhân dân các cấp, tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức Toà án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật”, ngày 23-3-1961 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về Tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương.

Về quản lý các TAND địa phương, Điều 23 Luật Tổ chức TAND quy định: “... Bộ máy làm việc và biên chế của các TAND địa phương các cấp do TANDTC hướng dẫn thực hiện theo quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của Cơ quan Nhà nước” và Điều 14 Pháp lệnh ngày 23-3-1961 quy định: “Tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Toà án nhân dân địa phương các cấp, do Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện theo những quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của các cơ quan nhà nước…”.

Căn cứ vào Điều 95 Hiến pháp năm 1959 và Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, ngày 9-4-1963 Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây Bắc đã ban hành Điều lệ “quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc”. Điều lệ này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Quyết định số 185-TVQH ngày 9-7-1963.

Như vậy, giai đoạn này ở Miền Bắc, Thẩm phán Tòa án được áp dụng theo chế độ bầu cử, vẫn còn các Tòa án trong tổ chức hành chính Khu tự trị; Toà án nhân dân tối cao có Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng toàn thể Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa quân sự, các Tòa phúc thẩm.

Ở  Miền Nam, dưới ách xâm lược của Đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy, phong trào cách mạng phát triển với sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các Tòa án cách mạng lúc đó chủ yếu hoạt động dưới phương thức Tòa án Binh, Tòa án quân sự, Tòa án mặt trận thực hiện xét xử, trừng trị những tên phản động, gián điệp, tay sai, những tên ác ôn nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân với những phiên tòa cũng hết sức đặc biệt…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân - 70 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam (kỳ 1)