Phóng sự - Ghi chép

Hình ảnh Bác còn in đậm ở Trường Sơn

T. Thành 02/09/2023 06:45

Bước ra từ rừng già sâu thẳm, có được cuộc sống ấm no, đủ đầy như hôm nay, đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều... sinh sống dọc dãy Trường Sơn luôn nhớ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Mỗi dịp sinh nhật Bác hay Quốc khánh 2/9 thì niềm tin ấy lại trỗi dậy và hiện diện rõ nét trong lòng của mỗi sơn dân nơi rừng thẳm.

anh-bai-hinh-anh-bac-sang-mai-o-truong-son-1.jpg
Anh hùng Hồ Kan Lịch và Anh hùng Hồ Đức Vai, hai người con ưu tú của dân tộc Pa Kô.

Rũ bỏ lời nguyền để hạ sơn

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác vào ngày 19/5 hay Quốc khánh 2/9, đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều... sinh sống ở các huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) lại làm một mâm cơm rồi trịnh trọng đặt lên ban thờ Bác Hồ. Đó cũng là cách mà họ bày tỏ lòng biết ơn tới Người cha già dân tộc. Bởi theo lời người già ở đây thì nếu không có Đảng, không có Bác, cuộc đời của người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều... vẫn mãi chìm trong bóng tối.

Ông Hồ Văn Lược, ở thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị kể rằng, xưa kia, người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm. Chính quan niệm ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu, chất lượng cuộc sống thấp càng khiến cho số dân của dân tộc này ngày một ít đi.

Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, họ đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều đã xin được lấy họ Hồ làm họ của mình.

Già Lược kể, vào năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù phân hóa lợi dụng.

Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, dưới sự giúp đỡ của Mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: “Người Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ”. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Hồ làm họ chung cho dân tộc mình. Và trong thẻ cử tri năm ấy, lần đầu tiên người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ.

“Ước vọng được mang họ Bác Hồ toại nguyện, nhanh chóng lan đến với đồng bào Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô sống giữa đại ngàn Trường Sơn. Tất cả đều hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng, thể hiện tấm lòng trung hiếu với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam”, già Lược xúc động nói.

Một lòng theo cách mạng

Tuy cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng kể từ ngày hứa một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng, những người dân Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều hiền lành, thương khó đã cùng "đất nước đứng lên" chống lại kẻ thù xâm lược. Những nếp nhà Tà Ôi là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng "tìm diệt" gắt gao của giặc; nhiều thanh niên Vân Kiều đã tạm biệt buôn làng để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 557 người con Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều hy sinh cho đất nước, 1.018 thương bệnh binh, đóng góp 33.873 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn dân công hỏa tuyến, mười Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 14/21 xã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðó chính là những hy sinh và thành quả mà những người dân mang họ Hồ đã cống hiến và có được. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến Anh hùng Hồ Kan Lịch hay Anh hùng Hồ Đức Vai, người đã từng được gặp Bác Hồ đến 5 lần.

“Năm 1965, tôi được địa phương chọn đi dự Đại hội Chiến sỹ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh. Trong số 32 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, có 2 du kích người dân tộc thiểu số, trong đó có tôi và anh Pi Năng Tăk, dân tộc Răglai (tỉnh Ninh Thuận). Trong lúc trò chuyện, biết tôi là người thiểu số, Bác đã ân cần căn dặn: “Cháu đã làm cán bộ thì phải học cái chữ. Có biết đọc, biết viết mới nói tiếng Kinh rõ được, mới làm cán bộ của đồng bào, phục vụ cách mạng được...”, Anh hùng Hồ Đức Vai kể.

Thời điểm ấy, Hồ Đức Vai dù rất muốn được ra Bắc để học chữ, nhưng vì miền Nam lúc đó các anh em, đồng bào, chiến sỹ cách mạng còn đang trải qua những tháng ngày cực khổ và sống trong những chuỗi ngày khó khăn khi mà địch liên tục mở các cuộc không kích, oanh tạc tàn bạo nhằm trả thù, giết hại bà con. Đứng trước ngưỡng cửa như vậy, nhưng Anh hùng Hồ Đức Vai đã trả lời Bác bằng một câu rất thật thà, khiến Bác vô cùng xúc động: “Dạ thưa Bác, cháu phải trở về miền Nam cùng đồng bào tham gia góp công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, để miền Nam mau chóng được giải phóng, còn mời Bác vô thăm đồng bào cháu!”.

“Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Mỗi trận đánh, mỗi kỷ niệm vui, buồn đều in dấu trong tôi. Thế nhưng, kỷ niệm sâu đậm nhất, ngọt ngào và thiêng liêng nhất là những lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp, Bác đều thăm hỏi, động viên, dặn dò rất kỹ. Bây giờ, tuy Bác đã đi xa, nhưng dù vậy, đồng bào Pa Kô mình vẫn luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước. Nhưng điều hạnh phúc nhất đối với tôi là được đích thân Bác Hồ đặt cho cái tên Hồ Đức Vai...”, ông Hồ Đức Vai nhớ lại.

Chống “giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt”

Sau ngày đất nước thống nhất, những người như Anh hùng Kan Lịch, Anh hùng Hồ Đức Vai và hàng trăm hàng nghìn người lính dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều khác đã trở lại với bản làng mình, trở thành những hạt giống nòng cốt trong cuộc chiến chống lại “giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt” như lời dạy của Bác năm xưa, để đưa dân tộc mình vượt qua gian khó.

Giờ dù ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) hay Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) - quê hương của những người mang họ Hồ, cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đã lùi xa. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, vì biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Nhiều bản làng đã khai thác vùng đất trũng để trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Con em đồng bào trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đã học đại học sau đó trở về xây dựng bản làng...

anh-bai-hinh-anh-bac-sang-mai-o-truong-son-2.jpg
Già làng Hồ Văn Mòn (ngoài cùng, bên trái): “Nhớ lời Bác dạy, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều vừa cố gắng diệt “giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt”, vừa bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Già làng Hồ Văn Mòn, một gương điển hình về làm ăn kinh tế ở A Ngo, Đakrông, Quảng Trị, kể: Những năm trước đây, vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân ở đây còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng thêm lam lũ, khổ ải. Trở về từ chiến trường, đối mặt với biết bao cái khó, già Mòn cùng vợ quyết định phải phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng.

“Vạn sự khởi đầu nan”, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà gia đình già Mòn đã phải vượt qua. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, thất bại ban đầu của già là điều dễ hiểu. Cà phê, chàm, bời lời cứ còi cọc, èo uột mãi. Không biết bao nhiêu lần già cùng vợ phải lên rẫy nhổ những cây đã chết. Mỗi lần như thế, lòng già quặn thắt...

Không đầu hàng số phận, tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ thôi thúc, già Mòn cùng vợ gom góp chút vốn liếng cuối cùng, cộng với một số tiền đi vay để làm lại từ đầu. Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của già và gia đình, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Năm này qua năm khác, hàng trăm nghìn cây bời lời, cây quế, cà phê vươn cành cao vút đã phủ xanh cả một vùng đồi trọc. Những vạt rừng cứ nối tiếp nhau mọc lên đã mang lại cho gia đình già mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn…

Kể từ khi có “của ăn của để”, già Mòn bắt đầu nghĩ đến việc giúp đồng bào mình xóa đói giảm nghèo. Già thường xuyên lặn lội gùi theo các loại cây giống đến từng thôn bản, từng nhà và gặp từng người để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho bà con cách trồng và giá trị của chúng. Thậm chí già còn dẫn họ đến tận rừng cây nhà mình để sờ tận tay, nhìn tận mắt để cho họ tin và thấy rõ cái lợi của việc trồng rừng. Tài liệu của cán bộ lâm nghiệp phát, già dịch sang tiếng Pa Kô để mọi người dễ hiểu, dễ làm theo. Tin tưởng già Mòn, nhiều hộ gia đình ở A Ngo học theo và dần thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo...

Và già Hồ Văn Mòn chỉ là một trong số rất nhiều những điển hình về làm ăn kinh tế của người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều sống dọc dãy Trường Sơn. Trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay, đồng bào dân tộc mang họ Hồ vẫn luôn sắt son trong mình niềm tự hào được mang họ Bác nên đã sống, lao động và phấn đấu không ngừng nghỉ để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

anh-bai-hinh-anh-bac-sang-mai-o-truong-son-3.jpg
Một góc A Ngo, Đakrông, Quảng Trị
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình ảnh Bác còn in đậm ở Trường Sơn