Chỉ nộp bản CMTND photo, không có hợp đồng lao động từ phía công ty, bà Nhấn được nhận vào làm việc trên công trường Quốc lộ 10 gần 2 năm, đến khi xảy ra tai nạn trong lúc làm việc mới biết mình không có các quyền lợi lao động theo quy định.
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhấn (SN 1965, trú tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Liên quan đến việc này, vừa qua, bà Nhấn có đơn gửi các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng kiến nghị xem xét, quan tâm, giải quyết sự việc đảm bảo quyền lợi cho bà Nhấn.
Theo đơn kiến nghị, tháng 9/2015, bà Nhấn được ông Vũ Đức Thăng (Cán bộ kỹ thuật tại Ban điều hành gói thầu số 08 - đoạn 5 Dự án nâng cấp, cải tạo QL10, thuộc Công ty Cp Tasco Trường Sơn) nhận vào làm việc trên công trường Dự án cải tạo, nâng cấp QL10. Khi vào làm việc, ông Thăng yêu bà Nhấn nộp một bản chứng minh nhân dân photo, sau đó cấp phát cho bà Nhấn 1 chiếc mũ nhựa và 1 cái áo lưới.
Theo sự phân công công việc của ông Thăng (sau là ông An), bà Nhấn phải làm các công việc từ dọn đường, rải đá bây, vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu… Mấy tháng đầu, bà Nhấn được ông Đoàn (Bí thư chi bộ thôn An Ninh, xã Vĩnh An) trực tiếp thanh toán lương với số tiền 120.000đồng/ngày, sau tăng lên 140.000đồng/ngày. Sau này, ông Thăng và ông Đỗ Xuân Hà (Chỉ huy trưởng công trường) đứng ra chi trả lương cho bà Nhấn với số tiền 150.000đồng/ngày.
Bà Nhấn được trả lương hàng tháng tính theo ngày công lao động, công việc tương đối đều. Có thời điểm trong xã Vĩnh An có đến 10 lao động làm việc cùng bà Nhấn trên công trường QL10.
Bà Nhấn đang trong quá trình phục hồi vết thương
Khoảng 9h40 ngày 5/3/2017, trong lúc làm việc trên công trường Dự án nâng cấp, cải tạo QL10 đoạn qua xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), bà Nhấn bị xe container đâm vào phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Do vết thương khá nặng, bị dập nát cổ chân, bà Nhấn phải chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để cắt bỏ 1/3 chân và điều trị từ ngày 5/3 đến 8/3/2017. Sau đó, bà Nhấn chuyển về điều trị thêm 15 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng.
Toàn bộ chi phí chữa trị, phục hồi sức khỏe hiện tại đã gần 100 triệu đồng (chưa kể những chi phí điều trị, lắp chân giả về sau) đều do gia đình bà Nhấn chi trả. Sau này, người lái xe gây tại nạn đã thăm hỏi, bồi thường cho bà Nhấn.
Trong suốt thời gian bà Nhấn phải điều trị tại bệnh viện, ông Hà và ông An đến thăm và đưa cho gia đình bà số tiền 3.000.000 đồng. Từ đó đến nay, Ban điều hành gói thầu số 08 - đoạn 5 Dự án nâng cấp, cải tạo QL10 và Công ty Cp Tasco Trường Sơn không quan tâm hay trách nhiệm gì đối với bà Nhấn.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Hà, Chỉ huy trưởng gói thầu số 08 - đoạn 5 Dự án nâng cấp, cải tạo QL10 (thuộc Công ty Cp Tasco Trường Sơn) xác nhận: "Vào thời điểm trên, bà Nhấn mang chiếc xe rùa đến cho tổ thi công khác để đổ bê tông, sau đó đi bộ trên công trường QL10 về địa điểm thi công đến cây xăng Vĩnh An thì bị xe container đâm vào".
Về sự việc nêu trên, phóng viên đã liên lạc với ông Trịnh Văn Lâm, Giám đốc Công ty Cp Tasco Trường Sơn (trụ sở tại: xã Lộc Hoà, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), ông Lâm cho biết: “Tôi không nắm được việc này. Tuy nhiên, sau khi nghe anh em trong công ty báo cáo, tôi xác định trường hợp xảy ra với bà Nhấn là tai nạn giao thông không phải tai nạn lao động, công ty chỉ có trách nhiệm thăm hỏi vì đây là lao động thời vụ!?”.
Ông Nguyễn Đình Duy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo cho biết: "Sau khi nhận được của bà Nhấn, phòng đã giao cho các bộ phận chuyên môn tiến hành xem xét, giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật".
Thiết nghĩ, người lao động nào cũng vậy, khi được tuyển dụng, thuê mướn vào làm việc tại một doanh nghiệp cũng đều có các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… nhưng đối với bà Nhấn thì sao? Liệu còn bao nhiêu lao động đang làm việc trên công trường QL10, họ có được hưởng các quyền lợi lao động theo quy định và họ có thể yên tâm làm việc hay không nếu chẳng may lại rơi vào trường hợp như bà Nhấn? Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.