Mặc dù khẳng định việc cấp phép và thu tiền khai thác thông từ người dân là đúng quy định nhưng khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ đối chứng thì Chủ tịch UBND xã lại từ chối.
Thời gian qua, báo Công lý nhận được phản ánh của người dân về những bất cập trong việc khai thác rừng thông Việt – Đức tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung phản ánh nêu rõ: chính quyền xã Kỳ Lạc lợi dụng thiệt hại từ cơn bão số 10 năm 2017 và sau khi Thông tư 21/2016/BNNPTNN ban hành đã cho khai thác một cách ồ ạt khiến hàng trăm ha rừng thông bị cạo trắng.
Ngoài ra, chính quyền cũng mập mờ trong việc thu tiền cấp phép khai thác; Hóa đơn thu tiền không đúng với điều 8, chương II trong quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ban hành ngày 14/9/2016 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký...
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, PV báo Công lý đã liên hệ và có buổi làm việc với chính quyền xã Kỳ Lạc. Tại buổi làm việc, ông Lê Thái Toàn - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết, dự án rừng thông Việt Đức có tổng diện tích 998 ha, được triển khai trên địa bàn xã trong 3 năm, từ năm 1999 đến 2012.
Trụ sở UBND xã Kỳ Lạc.
“Trước đây, khi chưa có Thông tư 21 ban hành thì khi cây thông đã cho ra mũ, xã cho khai thác theo cách tỉa thưa đúng với kỹ thuật, còn sau khi Thông tư 21 ra đời năm 2016, xã đã cấp phép khai thác hết toàn bộ diện tích”, ông Toàn nói và cho biết thêm đến thời điểm này xã đã cấp phép khai thác toàn bộ rừng thông, trong đó diện tích do sâu bệnh và bão đổ hơn 200 ha, còn lại xã cấp phép 700 ha.
Khi PV đặt câu hỏi về số tiền khai thác những năm qua từ người dân là bao nhiêu? Chính quyền xã khi cấp phép khai thác rừng thông Việt – Đức dựa vào đâu để thu tiền sản lượng của người dân?, thì ông Toàn tỏ ra lúng túng không nắm được, đùn đẩy trách nhiệm sang cho người khác.
“Hiện giờ tôi chưa nắm được số tiền bao nhiêu, cái này số liệu do kế toán. Còn tiền thì xã dựa vào cách thu tính phí từng xe, chúng tôi thu mỗi xe 500 ngàn đồng”, ông Toàn cho hay.
Tiếp đó khi PV đề nghị cung cấp các hồ sơ, tài liệu để làm rõ nội dung phản ánh của người dân thì ông Toàn từ chối và cho rằng xã đã làm đúng theo Thông tư 21.
Biên lai thu phí vận chuyển thông của UBND xã Kỳ Lạc.
Theo tìm hiểu được biết, trong nhiều năm qua, số tiền mà xã thu về từ việc cấp phép khai thác thông lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thu về này có nhiều bất cập và “mập mờ” khiến cho dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong công tác quản lý tài chính của xã Kỳ Lạc.
Rừng Thông Việt – Đức mà UBND xã Kỳ Lạc cấp phép cho dân khai thác để chuyển đổi mục đích cây trồng khác liệu đã đúng với những quy định trong Thông tư 21/TT- BNNPTNT hay chưa? Căn cứ vào đâu mà chính quyền xã đề ra mức thu mỗi xe chở thông 500 ngàn đồng? Và vì sao Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc lại từ chối cung cấp hồ sơ cho báo chí? Phải chăng trong việc thu tiền và cấp phép khai thác 998 ha rừng thông Việt- Đức đang có điều khuất tất?..., những câu hỏi này rất cần chính quyền địa phương trả lời rõ để người dân nắm được, tránh để hoài nghi kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.