UBND Tp. Hà Nội vừa có văn bản xử lý 30 cơ quan, doanh nghiệp để hoang phí hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD.
Như nhiều địa phương khác trên cả nước, trên địa bàn Tp. Hà Nội hiện có hàng trăm khu “đất vàng” bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi chính quyền lại chưa mạnh tay xử lý thu hồi. Chỉ căn cứ vào con số 30 đơn vị đang sử dụng lãng phí hàng chục ngàn mét vuông đất mà Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa báo cáo với UBND Tp. Hà Nội đã thấy một phần bức tranh toàn cảnh đất hoang phí ở Thủ đô.
Được xem là khu “đất vàng” của Thủ đô nhưng khu đô thị mới Cầu Giấy nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 8 km đến nay vẫn còn nhiều khu vực bỏ hoang phí. Cùng với đó là hàng loạt khu đất “đắc địa” khác rộng hàng trăm ngàn mét vuông ở quận Long Biên, Thanh Trì, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm… đang để cỏ mọc lút đầu người.
Ngay cả đất đã được các quận, huyện đấu giá từ 3-4 năm nay như khu đô thị mới Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ… với số tiền chi trả khổng lồ nhưng đến nay vẫn không thấy động đậy. Thậm chí ở khu đô thị mới Cầu Giấy, hiện đất có giá từ 250-300 triệu đồng/m2, 1 lô biệt thự khoảng 250 - 300 m2, tương đương khoảng 60 - 90 tỷ đồng nhưng 4 năm nay vẫn dành đất để… nuôi bò!
Một khu đất bỏ hoang trong thời gian dài tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Ảnh: NLĐ)
Điều đáng nói là hầu hết diện tích đất rất lớn này nằm ở những vị trí đắc địa do các “ông lớn” quản lý như: Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Nội (huyện Thanh Oai); Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đống Đa (quận Đống Đa); Công ty Cơ khí điện tử tàu thủy (quận Đống Đa); Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5 (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 8 (huyện Chương Mỹ); Công ty Cổ phần Thiết bị xăng dầu Petrolimex (quận Long Biên)…
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang phí kéo dài do nhiều nguyên nhân, như vướng giải phóng mặt bằng hoặc do chủ đầu tư có vấn đề về tài chính, năng lực. “Chỉ rà soát 118 dự án đã phát hiện 16 dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, 16 dự án khác do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai rất ì ạch. Đối với những dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực, nếu tình hình không cải thiện, thành phố sẽ tiến hành thu hồi. Riêng những dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật (chậm quá 24 tháng so với thời gian thi công cho phép), thành phố đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, nếu chủ đầu tư không triển khai cũng sẽ bị thu hồi” - ông Khanh khẳng định.
Cũng theo ông Khanh, trong năm 2011, tổng hợp các dự án chậm tiến độ, đất bỏ hoang, Hà Nội đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000 m2. Ngoài ra, Tp. Hà Nội cũng đã công khai trên phương tiện truyền thông danh mục, tên tuổi các dự án lãng phí trong diện phải thu hồi.
Tuy nhiên, việc “đấu với” các chủ đầu tư có dự án nằm ở vị trí đắc địa nhưng bỏ hoang là không dễ, bởi thực tế UBND Tp. Hà Nội đang bị chủ đất kiện vì chỉ đạo đưa tên doanh nghiệp vi phạm lên internet... Điều này lý giải vì sao danh sách 9 dự án vừa được UBND Tp. Hà Nội đề xuất thu hồi chỉ là những dự án nhỏ, có tổng diện tích chỉ trên 50.000 m2, còn các “ông lớn” chỉ bị xử phạt hành chính!
Thế Dũng