Với kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp…
Tại kỳ họp kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng của thành phố còn nhiều chỉ tiêu có thể phấn đấu đạt cao hơn. Giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng.
Đến nay thành phố còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia (hiện đạt 73 trường, theo kế hoạch là 80 trường). Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%); CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm; bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI giảm 1 bậc, PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để như: Ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững; một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để; việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/cụm công nghiệp/làng nghề chậm tiến độ.
Tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập. Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
"Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Do vậy, phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố một cách triệt để, thực chất để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thành phố cần xác định lấy nội dung này làm tiêu chí đánh giá mức độ thi đua hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.