Luật Tố tụng hành chính 2010 có quy định cụ thể về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Hiện nay, Luật này đang trong quá trình sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cơ chế đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong vụ án hành chính cho phù hợp.
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC có kiến nghị hoặc trong trường hợp Chánh án TANDTC đề nghị (Điều 239).
Theo quy định tại Điều 240 của Luật Tố tụng hành chính thì khi xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền ra quyết định hủy quyết định đó khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể quyết định như: Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật; chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.
Một phiên tòa hành chính (ảnh minh họa)
Xác định trách nhiệm bồi thường, buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TANDTC có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật...
Để thi hành quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Chương XV của Luật Tố tụng hành chính, ngày 15/10/2013, TANDTC, VKSNDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC của Luật Tố tụng hành chính.
Theo ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện KHXX - TANDTC, thực tiễn công tác giải quyết các khiếu kiện hành chính cho đến thời điểm này thì chưa phát hiện có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm nào về vụ án hành chính của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xem xét lại (thực tiễn chỉ có một số quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự, vụ án hình sự bị phát hiện có sai lầm nghiêm trọng).
Tuy nhiên, vụ án hành chính là loại án phức tạp, liên quan đến hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thuế, kế toán, xây dựng, đất đai... nên có thể sẽ có những trường hợp quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai sót. Nếu không có cơ chế để Toà án xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán phát hiện có sai sót, đặc biệt là những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân thì sẽ không bảo đảm TAND là cơ quan bảo vệ công lý, là chỗ dựa của nhân dân về công lý, không thể hiện được đặc trưng ưu việt của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tuy nhiên, trong các vụ án hành chính thì quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự thường có liên quan chặt chẽ với nhau. Phán quyết của Toà án khi giải quyết khiếu kiện hành chính không chỉ tác động đến quyền và lợi ích của các đương sự có liên quan mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền hoặc cộng đồng dân cư.
Bởi vậy, việc cân nhắc và quy định cơ chế để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai sót nghiêm trọng là một trong những nội dung lớn cần được quan tâm thảo luận, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia pháp luật trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các dự án luật tố tụng nói chung và dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nói riêng.
Theo định hướng cải cách tư pháp thì “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa...”. Theo quy định của Hiến pháp mới thì “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Vì vậy, ông Minh cho rằng, để phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và tinh thần của Hiến pháp mới, cần quy định cơ chế đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng trong các luật tố tụng nói chung và trong Luật Tố tụng hành chính nói riêng để bảo vệ và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi bị vi phạm và để tránh tình trạng cơ quan Nhà nước trả lời người dân về việc có sai lầm nhưng không có cơ chế giải quyết.
Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật mới được ban hành; xuất phát từ đặc thù của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, ông Minh cho rằng, không nên bỏ chế định này mà cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi xem xét lại quyết định của mình theo hướng: Khi xem xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán TANDTC kết luận về tính hợp pháp của quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bị xem xét lại và xác định trách nhiệm bồi thường và quyền của đương sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (nếu có).