Việt Nam ta có rất nhiều giá trị văn hóa, nghi lễ truyền thống được lưu giữ, truyền trao qua nhiều thế hệ, những nét đẹp này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân mà còn tạo tiền đề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam được coi là nước có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Các lễ hội truyền thống tại Việt Nam diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của địa phương và quốc gia.
Việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn xuất phát từ ý thức của công dân, chính sự chung sức, chung lòng đó sẽ góp phần tô đậm các giá trị, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Như nhà ái quốc Nguyễn An Ninh từng nói “văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, vậy nên việc “giữ gìn những nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” là vấn đề cấp thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là việc tuyên truyền, giáo dục để giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về các tinh hoa của dân tộc.
Thời gian qua, hưởng ứng việc thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, nhiều địa phương đã tổ chức các chuyên đề mang tính thiết thực, hiệu quả.
Mới đây nhất, tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, Thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ đã có buổi chia sẻ đầy tâm huyết về chuyên đề “Giữ gìn những nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.
Buổi nói chuyện do Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” TP. Thuận An tổ chức, thu hút hơn 300 người tham gia.
Tại chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của những nghi lễ của người dân Nam Bộ; những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam dịp lễ Tết; giá trị những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dòng chảy hội nhập quốc tế; quá trình vận dụng nét đẹp của truyền thống trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...
Diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh, căn tính Việt trong văn hóa vốn dĩ đã được biết bao thế hệ cha ông đấu tranh gìn giữ và nó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, để minh chứng cho những giá trị văn hóa cốt lõi của vùng đất Thuận An - Lái Thiêu, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã mang đến chương trình nhiều đồ tế khí bằng đồng và gốm sứ biểu trưng, trong đó có cả chiếc đĩa Lái Thiêu xưa vẽ tích Truyện Kiều và ghi thơ Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Ở góc độ diễn giả văn hóa, bản thân anh cảm thấy hạnh phúc khi văn hoá truyền thống ngày càng được các cơ quan, ban ngành quan tâm để giữ gìn và phát huy.
Qua chuyên đề chia sẻ, cô Phạm Thị Trang - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (phường An Thạnh, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho rằng, để bản sắc dân tộc không bị mai một và thoái hóa, mỗi người dân đều cần phải có ý thức giữ gìn. Gia đình, cộng đồng cũng phải chung sức, chung lòng để tô đậm thêm những giá trị văn hóa đó; đặc biệt, phải biết chắt lọc, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp nhất.
Buổi chia sẻ đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp ủy, chính quyền các đơn vị trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.