Bộ luật Lao động năm 2019 không cho phép người sử dụng lao động giữ bản chính văn bằng của người lao động. Hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt tới 25 triệu đồng.
Hỏi: Tôi là kỹ sư khuyến nông làm việc cho một Công ty buôn bán lúa giống có trụ sở tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Tháng 8/2019, tôi vào làm việc tại Công ty với chức danh nhân viên kỹ thuật. Trước khi ký hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm, công ty yêu cầu người lao động phải ký vào một lá đơn có nội dung là nhờ công ty giữ bằng tốt nghiệp trong suốt thời gian tôi làm việc. Nay tôi xin nghỉ việc nhưng công ty không chấp nhận, cũng không trả lại bằng cho tôi. Tôi phải làm gì trong tình huống này?
Đặng Quang Th., Sơn Dương, Tuyên Quang.
Trả lời: Để đảm bảo quyền được tự do lựa chọn công việc, Bộ luật Lao động cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Bạn đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn là 36 tháng, nên để nghỉ việc hợp pháp, bạn chỉ cần báo trước ít nhất 30 ngày là có thể đơn phương nghỉ việc, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Khoản 1 điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong các hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động đó là “giữ bản chính văn bằng của người lao động”. Như vậy, việc công ty giữ bằng đại học gốc của bạn là vi phạm pháp luật lao động kể cả trong trường hợp bạn “nhờ” công ty giữ bằng hộ, vì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành tại thời điểm bạn ký hợp đồng cũng có quy định tương tự về vấn đề này.
Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính văn bằng của người lao động”. Biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi này đó là: Buộc trả lại văn bằng đã giữ của người lao động.
Do đó, bạn có thể căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu Công ty phải trả lại giấy tờ gốc đang giữ của bạn. Trường hợp không thể tự thỏa thuận được, bạn có thể làm đơn đề nghị Công đoàn cơ sở (nơi bạn làm việc, nếu đã thành lập tổ chức công đoàn) hoặc gửi đơn đến Liên đoàn Lao động quận Đống Đa nơi Công ty đóng trụ sở để đề nghị được giúp đỡ.
Ngoài ra, bạn có thể làm đơn gửi tới Thanh tra lao động của Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Đống Đa để đề nghị Cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp đóng trên địa bàn và xử phạt trong trường hợp có vi phạm pháp luật. Bạn cũng có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Đống Đa nơi công ty đóng trụ sở hoặc Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương nơi bạn cư trú để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan đến quan hệ lao động.