Băng vệ sinh có phải là mặt hàng thiết yếu không? Việc một số nơi chặn xe với lý do mặt hàng này không nằm trong danh sách thiết yếu đúng hay sai?
Hỏi: Vừa qua, tôi thấy báo chí đưa tin, một số nơi, xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn với lý do không nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu. Tôi là một phụ nữ, tôi biết nhu cầu sử dụng của phụ nữ và trẻ em là cần thiết. Xin hỏi băng vệ sinh có phải là mặt hàng thiết yếu không? Việc một số nơi chặn xe với lý do mặt hàng này không nằm trong danh sách thiết yếu đúng hay sai? Xin cảm ơn!
Độc giả Nguyễn Thị Lan
Luật sư Kiều Trang: Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Luật Giá năm 2012 thì: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho hoạt động sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.
Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 có hướng dẫn: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bao gồm: lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, điện, nước; nhiên liệu...; các dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa; khám-chữa bệnh; tang lễ...”.
Ngày 21/7/2021, Bộ Công Thương ban hành công văn số 4349/BCT-TTTN về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nội dung công văn, Bộ Công thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tập quán tiêu dùng tại địa phương để đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nếu cần thiết) cho phù hợp.
Như vậy, tính tới thời điểm ngày 21/7/2021, pháp luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc giải thích khái niệm thế nào là hàng hóa thiết yếu. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã thống kê “nhu cầu” hàng hóa thiết yếu của nhân dân trong tỉnh để thu mua, luân chuyển và điều tiết, phục vụ nhu cầu của người dân, chứ không phải ban hành danh sách hàng hóa thiết yếu để đình chỉ hoạt động của những mặt hàng còn lại.
Do đó, những cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch, điều tiết giao thông cần phải nắm bắt đúng tinh thần của các văn bản đã ban hành để hiểu chính xác và thực hiện cho đúng. Vì vậy, việc bắt các lái xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm phải quay đầu là không có cơ sở pháp lý.
Theo quan điểm cá nhân tôi, thì băng vệ sinh, tã, bỉm là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với phụ nữ, người già và trẻ em. Bởi vì nó không có hàng hóa tương tự để thay thế và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sức khỏe sinh sản của con người. Ngoài đồ ăn, thức uống thì sức khỏe và nhân phẩm cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu chính đáng. Cần phải tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của những đối tượng dễ bị tổn thương.