Hàng giả, hàng nhái đang hiện diện khắp nơi và trung bình mỗi năm, cơ quan chức năm đã kiểm tra, xử lý khoảng 10.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trong năm 2015, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng.
Trong đó có 485 vụ vi phạm hàng giả về chất lượng, công dụng, 1.632 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, 650 vụ vi phạm về quyền SHTT, 20.809 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa... Phần lớn mặt hàng bị làm giả, làm nhái tập trung trong các nhóm hàng: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện tử- điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm…
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan vừa cho biết, 4 tháng đầu năm 2016, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.
Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy hàng giả. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Rất khó để chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả hiện nay trên thị trường và nói như ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam “đố ai có thể chỉ ra được”. Ông Bảo cho rằng, hàng giả đang cạnh tranh trực tiếp với hàng thật ngay tại chính các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chứ chưa cần nói đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nơi lực lượng chuyên ngành còn mỏng.
Tại cuộc hội thảo về “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp” được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra rằng hiện nay phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi. Hàng giả đang gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và làm mất niềm tin của người dân.
Nói về kết quả xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) nhận xét: “Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường. Công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn”.
Một nguyên nhân được coi là hạn chế trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái là chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít những vụ việc bị khởi tố hình sự. Ý kiến của ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng tại Hội thảo cho rằng các văn bản luật chưa phân biệt rõ ràng về tội phạm hàng giả, gây khó khăn cho việc chứng minh hành vi phạm tội. Có vụ việc đáng lẽ phải xử lý hình sự nhưng để đỡ tốn thời gian, tiền của; cơ quan chức năng chuyển sang xử lý hành chính.
Một nguyên nhân không thể không nói đến trong khó khăn chống hàng giả là ý thức của người dân, doanh nghiệp về hàng giả chưa cao. Điều này đã giúp cho hàng giả có “đất” để hoành hành. Theo ông Lê Thế Bảo, trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, vai trò của Hiệp hội và doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, Hiệp hội phối hợp cùng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sản phẩm cho các doanh nghiệp, tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm để nhận biết phân biệt các dấu hiệu hàng thật, hàng giả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận xét hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm có chất lượng với bao bì được cải tiến và dán tem chống hàng giả. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp cho rằng việc công bố tình trạng hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Hoặc doanh nghiệp có những lo ngại khi công bố đặc điểm sản phẩm sẽ bị kẻ gian biết được đặc điểm để sản xuất hàng giả.
Có thể thấy, việc đấu tranh phòng, chống nạn hàng giả, hàng nhái là công việc của toàn xã hội, mà trước tiên là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó là sự tham gia hưởng ứng tích cực từ chính các doanh nghiệp cũng như xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả. Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý Thị trường khẳng định: “Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, sự quyết tâm của lực lượng QLTT và các lực lượng thực thi khác, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp, hiệp hội, cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực”.